Nghiên cứu ý tưởng lập Giám hạt tòng nhân cho di dân Philippines

Photo by Leif Inge Fosen on Unsplash

Hôm 13 tháng Chín vừa qua, hãng tin Fides của Bộ Loan báo Tin mừng cho biết Đức cha Narciso Abellana, Chủ tịch Ủy ban Giám mục Philippines về di dân và lưu động, khẳng định rằng ý tưởng thành lập một “Giám hạt tòng nhân” cho những người di dân Philippines sẽ giúp Giáo hội thi hành hữu hiệu việc săn sóc mục vụ và truyền giáo.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Đức cha Abellana cho biết như trên, trong Sứ điệp nhân Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn, cử hành ngày 24 tháng Chín tới đây, và tại Philippines có một tầm quan trọng đặc biệt. Thực vậy, nước này chiếm kỷ lục thế giới với hơn 13.000 công nhân di dân người Philippines làm việc tại nước ngoài, quen gọi là “Công nhân Philippines hải ngoại” (Overseas Filipino Workers, OFW), tức là có hơn 10% tổng số dân Philippines hiện đang sống tại nước ngoài. Hiện tượng di dân được chính phủ khuyến khích từ cuối thập niên 1970, nhất là để hỗ trợ nền kinh tế quốc gia: với số tiền gửi về nhà, những người di dân là một cột chủ yếu trong tổng sản lượng quốc gia và cho hàng ngàn gia đình.

Đứng trước một thực tại rộng lớn như thế, nhất là vì các công dân Philippines là tín hữu Công giáo, việc thành lập một Giám hạt tòng nhân đặc biệt hữu ích để đi tới các công nhân Philippines ở hải ngoại, nhất là những người cư ngụ tại các nước không có các văn phòng tuyên úy Công giáo, như tại Arập Saudi. ‘Nghĩa vụ và trách nhiệm của Giám hạt là để trợ giúp tinh thần và mục vụ cho những người di dân ấy”.

Việc thảo luận và đối chiếu trong Hội đồng Giám mục Philippines về việc thành lập một Giám hạt tòng nhân đang diễn ra từ ít là ba năm nay. Các giám mục đã thiết lập một Ủy ban đặc nhiệm để nghiên cứu thêm và thẩm định các câu trả lời, trước khi đệ trình vấn đề này lên Tòa Thánh và chính thức thỉnh cầu. Hiện nay, đang có cuộc tham khảo ý kiến các Hội đồng Giám mục tại những nước có người di dân Philippines để hiểu và thẩm định những hệ lụy về pháp lý và mục vụ; nhận định về những thể thức hậu cần khả dĩ; chuẩn bị một lộ trình để huấn luyện đặc biệt cho các linh mục; chú ý đến việc bảo vệ người di dân, và trợ giúp trong trường hợp những vụ lạm dụng, để bảo vệ an ninh về mặt nhân vị, con người, xã hội và tinh thần; đặc biệt chăm sóc quan điểm và gây ý thức cho các tín hữu Công giáo Philippines như những thừa sai.

Trong nhiều môi trường, nhất là tại các nước Tây phương bị tục hóa, và sự hành đạo sa sút, các tín hữu Kitô Philippines di dân là một cộng đồng đức tin nhiệt thành, giữ cho niềm hy vọng sinh động. Trong số nhiều ví dụ, người ta kể đến trường hợp Hòa Lan, thứ Bảy và Chúa nhật, các thánh đường Công giáo đầy những người di dân Philippines và gia đình họ, trong khi các tín hữu Hòa Lan còn lại vừa ít ỏi vừa già nua. Cùng với những tín hữu di dân ấy cũng có một số linh mục Philippines thừa sai tới Âu châu để giúp đỡ các cộng đoàn di dân và người Âu.

(Fides 13-9-2023)