Tiếp kiến chung của Đức Thánh cha: Dưới khía cạnh xã hội, tật mê ăn uống có lẽ là tật xấu nguy hiểm nhất

Photo: Vatican Media

Sáng thứ Tư, ngày 10 tháng Giêng vừa qua, Đức Thánh cha Phanxicô đã thực hiện buổi Tiếp kiến chung thứ hai của năm 2024, tại Đại thính đường Phaolô thứ VI ở nội thành Vatican, trước sự hiện diện của hơn 5.000 tín hữu, trong đó có đông đảo các đôi tân hôn.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Buổi tiếp kiến, như thường lệ, được mở đầu với phần lắng nghe Lời Chúa, trích từ sách Châm Ngôn (23,15.20-21): “Hỡi con, nếu trái tim của con khôn ngoan, thì con tim của cha cũng đầy vui mừng [...]. Con đừng thuộc vào số những người say rượu, đừng thuộc vào số những người mê ăn uống, vì kẻ say sưa và tham ăn sẽ trở nên bần cùng và buồn ngủ sẽ mặc những rẻ rách cho họ”.

Bài huấn giáo

Trong phần huấn giáo tiếp đó, Đức Thánh cha tiếp tục loạt bài về các nết xấu và các nhân đức. Bài thứ ba này có tựa đề là: “Tật mê ăn uống”.

Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong hành trình giáo lý của chúng ta về các tật xấu và nhân đức, hôm nay chúng ta dừng lại tại tật mê ăn uống.

Tin mừng nói gì với chúng ta về điều này? Chúng ta hãy nhìn Chúa Giêsu. Phép lạ đầu tiên của Ngài ở tiệc cưới Cana biểu lộ thiện cảm của Ngài đối với niềm vui của con người: Chúa quan tâm để tiệc cưới được kết thúc tốt đẹp và ngài tặng cho đôi tân hôn số rượu rất ngon. Trong trọn sứ vụ của Ngài, Chúa Giêsu xuất hiện như một ngôn sứ rất khác Gioan Tẩy Giả: nếu Gioan Tẩy Giả được nhớ đến vì sự khổ hạnh, ăn những gì thánh nhân tìm thấy trong hoang địa - thì trái lại, Đức Messia ta thường thấy ở bàn ăn. Cách cư xử của Chúa gây nên cớ vấp phạm, vì không những Ngài từ nhân với những người tội lỗi, nhưng thậm chí còn ăn uống với họ; và cử chỉ này chứng tỏ ý muốn hiệp thông đối với những người mà tất cả mọi người từ khước.”

Thái độ của Chúa Giêsu

“Nhưng cũng có một điều khác. Trong khi thái độ của Chúa Giêsu đối với những giới luật Do thái giáo tỏ cho chúng ta thấy Ngài hoàn toàn vâng phục Luật, đồng thời tỏ ra thông cảm với các môn đệ của Ngài: khi những người này sai lỗi: vì đói, họ tước những gié lúa vào ngày Sabat để ăn, Ngài biện minh cho họ, nhắc nhớ rằng cả Vua Đavit và những người tháp tùng, khi ở trong hoàn cảnh cần thiết, đã vi phạm một giới luật (Xc Mc 2,23-26). Nhưng nhất là, qua một dụ ngôn thật đẹp, Chúa Giêsu khẳng định nguyên tắc mới: những người được mời dự tiệc cưới không thể ăn chay khi chàng rể ở với họ; họ sẽ ăn chay khi chàng rể bị tước khỏi họ. Nay tất cả đều liên hệ với Chúa Giêsu. Khi Ngài ở giữa chúng ta, chúng ta không thể buồn sầu; nhưng trong giờ khổ nạn của Ngài, khi ấy chúng ta sẽ ăn chay (Xc Mc 2,18-20). Chúa Giêsu muốn chúng ta vui mừng đồng hành với Ngài; nhưng Ngài cũng muốn chúng ta tham dự vào những đau khổ của Ngài, và cũng là những đau khổ của những người bé nhỏ và nghèo hèn.

Không phân biệt lương thực

“Một khía cạnh quan trọng khác. Chúa Giêsu bãi bỏ sự phân biệt giữa lương thực tinh khiết và ô uế, vốn là một trong những điểm chính trong một số văn hóa thời cổ. Thực vậy, Chúa Giêsu dạy, không phải những gì từ bên ngoài vào trong con người làm cho họ ô nhiễm, nhưng là điều xuất phát từ trong tâm hồn họ. Và như thế “làm cho tất cả các lương thực trở nên tinh khiết” (Mc 7,19). Vì vậy, Kitô giáo không coi các lương thực là ô uế. Nhưng chúng ta phải quan tâm để có sự thanh khiết nội tâm: vì vậy, không phải về chính lương thực, nhưng về tương quan của chúng ta đối với lương thực.

“Cần tái khám phá và đề cao tương quan trong sáng mà Chúa Giêsu đã thiết lập đối với lương thực. Đặc biệt trong những xã hội gọi là sung túc, nơi có bao nhiêu chênh lệch và bệnh hoạn. Người ta ăn nhiều quá hoặc ít quá. Nhiều khi người ta ăn uống trong cô độc. Những thứ bệnh liên quan đến lương thực lan tràn: chứng biếng ăn, chứng cuồng ăn, béo phì. Và y khoa và tâm lý học tìm cách giải quyết mối quan hệ không tốt với thực phẩm. Đó là những bệnh thường rất đau đớn, phần lớn liên hệ tới những thực hành tâm lý và tâm hồn. Như Chúa Giêsu đã dạy, không phải lương thực tự nó là sai trái, nhưng là tương quan giữa chúng ta với lương thực. Việc ăn uống là biểu hiện một cái gì nội tâm: xu hướng quân bình hoặc vô độ; khả năng biết ơn hoặc kiêu hãnh tự phụ về sự tự lập; sự cảm thương của người biết chia sẻ lương thực với người túng thiếu, hoặc sự ích kỷ tích trữ cho mình. Hãy cho tôi biết bạn ăn gì, tôi sẽ nói bạn có tâm hồn thế nào. Các Giáo phụ xưa kia gọi tật mê ăn uống với tên là “gastrimargia”, một từ có thể dịch là “sự điên rồ của cái bụng”. Đó là một tật xấu ẩn nấp trong nhu cầu sinh tử của chúng ta, nhu cầu ăn uống.

Sự xấu xa của tật mê ăn uống

Đức Thánh cha khẳng định rằng: “Nếu nhìn dưới khía cạnh xã hội, tật mê ăn uống có lẽ là tật xấu nguy hiểm nhất, đang giết hại trái đất. Vì tội của người nhượng bộ trước một miếng bánh ngọt, xét chung thì không tạo nên thiệt hại lớn, nhưng sự phàm ăn mà nó tạo nên đối với thiện ích của trái đất từ vài thế kỷ, đang làm thương tổn tương lai của tất cả mọi người. Chúng ta vơ vét mọi sự, để trở thành chủ nhân của mọi sự, trong khi chúng ta chỉ là những người gìn giữ mọi sự được ủy thác cho chúng ta. Vì thế, cơn thịnh nộ của cái bụng là thứ tội lớn nhất: chúng ta đã từ bỏ danh nghĩa con người, để nhận lấy một tên khác, “những người tiêu thụ”. Thậm chí, chúng ta không nhận thấy có ai đó đã bắt đầu gọi chúng ta như thế”. Chúng ta được dựng nên để trở thành những người nam nữ có lòng biết ơn, có khả năng cảm tạ, tiết độ trong việc sử dụng trái đất, nhưng thực tế chúng ta đã bị biến thành những người săn mồi, và giờ đây chúng ta nhận thấy rằng sự háu ăn này đã gây hại nhiều cho chúng ta và môi trường chúng ta đang sống”.

Chào thăm và kêu gọi

Sau bài giáo lý trên đây, như thường lệ là phần tóm tắt bằng nhiều thứ tiếng bài huấn giáo của Đức Thánh cha cùng với lời chào thăm của ngài tới các nhóm hành hương.

Khi chào bằng tiếng Pháp, ngài đặc biệt nhắc đến các chủng sinh chủng viện Paris, Học viện thánh Giuse ở Aumale, ban tuyên úy toàn quốc các nghệ nhân ngày lễ hội.

Bằng tiếng Anh, Đức Thánh cha đặc biệt chào các linh mục đang theo khóa Bồi dưỡng thường huấn ở Giáo hoàng Học viện Bắc Mỹ, cạnh Trường Truyền giáo, gần Vatican.

Với các tín hữu hành hương người Ba Lan, ngài nhắn nhủ rằng: “Vào đầu năm mới, điều quan trọng là nhớ rằng hòa bình mà mọi người rất mong muốn, nảy sinh từ con tim. Xin Mẹ Maria, Nữ Vương Hòa Bình, nâng đỡ để các dự án và quyết định của anh chị em nảy sinh từ ước muốn làm điều thiện cho bản thân, gia đình, tổ quốc cũng như toàn thế giới”.

Sau cùng, bằng tiếng Ý, Đức Thánh cha chào thăm các bạn trẻ, bệnh nhân và các đôi tân hôn. Ngài nói: “Tôi mời gọi tất cả hãy luôn hoạt động trong sự mới mẻ của cuộc sống mà Con Thiên Chúa, nhập thể làm người để cứu nhân loại, đang chỉ cho chúng ta. Tôi tái bày tỏ sự gần gũi trong kinh nguyện với nhân dân Ucraina bị thử thách dường nào, và những người đang đau khổ vì kinh hoảng chiến tranh tại Palestine, và Israel cũng như tại các nơi khác trên thế giới”.

Buổi Tiếp kiến chung kết thức với kinh Lạy Cha và phép lành của Đức Thánh cha.