Tiếp kiến chung của Đức Thánh cha: Đức khôn ngoan hướng dẫn chúng ta nên thánh

Photo: Vatican Media

Sáng thứ Tư, ngày 20 tháng Ba vừa qua, Đức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến chung hơn 15.000 tín hữu hành hương, tại Quảng trường thánh Phêrô.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Như thường lệ, Đức Thánh cha đi xe mui trần tiến ra quảng trường, gần 15 phút trước khi bắt đầu tiếp kiến, để chào thăm các tín hữu hành hương, giữa tiếng nhạc của một ban nhạc.

Lên tới lễ đài, trên thềm Đền thờ, Đức Thánh cha chào thăm tám giáo dân nam nữ làm thông dịch viên trong buổi tiếp kiến này. Họ đọc đoạn ngắn, trích từ sách Châm Ngôn, đoạn thứ 15 (15,14.21-22.33):

“Trí người minh mẫn kiếm tìm tri thức, miệng kẻ ngu si ham thích chuyện điên rồ. Kẻ ngu si lấy điều dại làm vui, người hiểu biết cứ thẳng đường mà tiến... Thiếu tiền bạc, chương trình đổ vỡ, nhiều cố vấn, ắt sẽ thành công. Lòng kính sợ Chúa là trường dạy khôn ngoan, khiêm nhu là đường dẫn đến vinh dự”.

Bài giáo lý

Trong bài giáo lý tiếp đó, Đức Thánh cha tiếp tục loạt bài về các nết xấu và các nhân đức. Bài thứ mười hai này có tựa đề: “Đức khôn ngoan”.

Vì giọng của Đức Thánh cha vẫn chưa được tốt, nên ngài chỉ giới thiệu và sau đó để một linh mục thuộc Phủ Quốc vụ khanh đã đọc thay ngài bài giáo lý sau đây.

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Chúng ta dành bài giáo lý hôm nay để nói về đức khôn ngoan. Nhân đức này hiệp với đức công bình, can đảm và tiết độ, họp thành những nhân đức trụ. Đây không phải là đặc quyền của các tín hữu Kitô, nhưng thuộc về gia sản khôn ngoan xưa kia, đặc biệt của các hiền triết Hy Lạp. Vì thế, một trong những đề tài liên hệ trong cuộc gặp gỡ và hội nhập văn hóa chính là các nhân đức.

Trong các tác phẩm thời Trung cổ, việc trình bày các nhân đức không phải chỉ là liệt kê các đức tính tích cực của tâm hồn. Lấy lại các tác giả cổ điển dưới ánh sáng mạc khải Kitô, các nhà thần học đã nghĩ ra một bộ bảy nhân đức: ba nhân đức hướng thần và bốn nhân đức trụ - như một thứ cơ quan sinh động, trong đó mỗi nhân đức có một chỗ đứng hòa hợp. Có những nhân đức chính và nhân đức phụ, như những trụ chính, các cột tròn và các cột vuông, các đầu cột. Vì thế, không kém kiến trúc của một nhà thờ chính tòa thời Trung cổ, có thể biểu lộ một ý tưởng về sự hòa hợp ở trong con người và liên tục hướng về điều thiện.

Khôn ngoan là gì?

Vì vậy, chúng ta hãy bắt đầu từ đức khôn ngoan. Nó không phải là nhân đức của người nhút nhát sợ hãi, luôn do dự về hành động cần thực hiện. Không phải vậy! Đó là một sự giải thích sai lầm. Đó cũng chẳng phải là sự thận trọng. Dành chỗ đứng hàng đầu cho sự khôn ngoan có nghĩa là hành động của con người ở trong tay trí tuệ và tự do của họ. Người khôn ngoan có tinh thần sáng tạo: lý luận, lượng định, tìm cách hiểu sự phúc tạp của thực tại và không để cho mình bị đảo lộn vì cảm xúc, lười biếng, áp lực của những ảo tưởng.

Bài học của người xưa

Trong một thế giới bị thống trị do cái vẻ bề ngoài, những tư tưởng hời hợt, sự tầm thường của điều thiện cũng như điều ác, bài học của người xưa về sự khôn ngoan đáng được phục hồi.

Thánh Tôma Aquinô, theo vết của Aristote, gọi sự khôn ngoan là “lý trí ngay thẳng trong hành động”, recta ratio agibilium. Đó là khả năng điều khiển các hành động để hướng chúng về điều thiện; vì lý do đó, lý trí được gọi là “người dẫn đưa các nhân đức”. Người khôn ngoan là người có khả năng chọn lựa: bao lâu còn ở trong sách vở, đời sống luôn dễ dàng, nhưng khi ở giữa các cơn sóng gió của đời sống thường nhật thì lại hoàn toàn khác, nhiều khi chúng ta không chắc chắn và không biết phải đi về phía nào. Người khôn ngoan thì không chọn lựa tình cờ: Trước tiên, họ biết mình muốn gì, vì thế cân nhắc các tình trạng, tham khảo ý kiến, với cái nhìn bao quát và tự do nội tâm, chọn lựa con đường nào phải theo. Nói như thế không có nghĩa là họ không thể sai lầm. Xét cho cùng, chúng ta vẫn luôn là con người; nhưng ít là sẽ tránh được những lầm lẫn lớn. Đáng tiếc là trong mỗi môi trường đều có người có xu hướng giải quyết các vấn đề bằng những quyết định hời hợt hoặc luôn tạo nên những bút chiến, tranh luận. Trái lại, đức khôn ngoan là đặc tính của người được kêu gọi cai quản. Họ biết rằng quản trị là khó khăn, những quan điểm thì có nhiều và cần phải tìm cách hòa hợp chúng, và không phải mưu ích cho người nào đó nhưng cho tất cả mọi người.

Cách hành xử khôn Ngoan

Đức khôn ngoan cũng dạy - như tục ngữ vẫn nói “điều tốt nhất là kẻ thù của điều thiện”. Thực vậy, quá nhiệt thành, trong một số hoàn cảnh có thể tạo nên thảm họa. Nó có thể làm hỏng việc xây dựng lẽ ra phải đi từ từ; nó có thể tạo nên những xung đột và hiểu lầm; thậm chí có thể làm bùng lên bạo lực.

Người khôn ngoan biết nhớ quá khứ, không phải vì sợ tương lai, nhưng vì biết rằng truyền thống là một gia sản khôn ngoan. Đời sống là một sự tích lũy liên tục nhưng điều cũ và mới, và thật là điều không tốt khi nghĩ rằng thế giới bắt đầu từ chúng ta, các vấn đề chúng ta phải đương đầu bằng cách đi từ con số không. Và người khôn ngoan cũng là người nhìn xa trông rộng. Một khi đã quyết định về mục tiêu phải hướng tới, thì cần phải lo liệu mọi phương thế để đạt tới đích.

Giáo huấn của Tin mừng

Bao nhiêu đoạn trong Tin mừng giúp chúng ta giáo dục về khôn ngoan. Ví dụ: người khôn ngoan là người xây nhà trên đá tảng và người thiếu khôn ngoan xây nhà trên cát (Xc Mt 7,24-27). Người khôn ngoan là những trinh nữ mang dầu theo với đèn của mình và những trinh nữ khờ dại là những người không làm như vậy (Xc. Mt 25,1-13). Đời sống Kitô là một sự liên kết giữa đơn sơ và táo bạo. Khi chuẩn bị các môn đệ để sai đi truyền giáo, Chúa Giêsu dặn dò họ: “Này đây, Thầy sai các con như chiên con giữa sói; vì thế các con hãy khôn ngoan như con rắn và đơn sơ như chim bồ câu” (Mt 10,16). Giống như nói rằng Thiên Chúa không chỉ muốn chúng ta là thánh. Ngài muốn chúng ta nên thánh khôn ngoan, vì nếu không khôn ngoan thì rất dễ lạc đường!

Chào thăm và kêu gọi

Sau bài giáo lý trên đây là phần tóm tắt và chào thăm các tín hữu bằng các ngôn ngữ khác nhau, kèm theo những lời nhắn nhủ của Đức Thánh cha.

Đặc biệt, khi chào bằng tiếng Ba Lan, Đức Thánh cha nhận xét rằng: “Mỗi năm, vào ngày 24 tháng Ba, tại Ba Lan có cử hành Ngày toàn quốc về Sự sống. Khi nghĩ đến tổ quốc của anh chị em, tôi muốn kể với anh chị em ước mơ của tôi, mà tôi đã bày tỏ cách đây vài năm, khi viết về Âu châu. Đó là Ba Lan là một lãnh thổ bảo vệ sự sống con người trong mọi lúc, từ khi nảy sinh trong lòng mẹ cho đến lúc chết tự nhiên. Anh chị em đừng quên rằng không ai là chúa tể sự sống, sự sống của mình cũng như sự sống của những người khác.”

Tại Ba Lan, chính phủ mới đang chủ trương mở cửa cho việc phá thai và các giám mục đã lên tiếng cảnh giác về vấn đề này.

Bằng tiếng Ý, Đức Thánh cha đích thân chào thăm liên minh cách thành thị có liên hệ tới việc tôn kính thánh Oronzo, giám mục tử đạo và nói rằng: “Anh chị em thân mến, ước gì chứng tá của vị bổn mạng của anh chị em trên thiên quốc mà tôi vui mừng làm phép ảnh của người, khơi lên nơi mỗi người trong anh chị em ước muốn ngày càng gắn bó với Chúa Kitô và Tin mừng.”

Đức Thánh cha nghĩ đến những người trẻ, các bệnh nhân, người cao tuổi và các đôi tân hôn, đồng thời nhắn nhủ rằng: “Chúng ta mới mừng lễ trọng kính thánh Giuse, bổn mạng Giáo hội hoàn vũ. Cùng với anh chị em, tôi muốn phó thác cho sự phù trợ của thánh nhân toàn thể Giáo hội và thế giới, nhất là những người cha tìm thấy nơi thánh Giuse mẫu gương đặc biệt cần noi theo.

Chúng ta cũng phó thác cho thánh Giuse các dân tộc Ucraina và Thánh địa đang chịu đau khổ rất nhiều vì chiến tranh. Chúng ta hãy nhớ rằng chiến tranh luôn là một thất bại. Cần thương thuyết để chấm dứt chiến tranh.

Buổi Tiếp kiến chung được kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của Đức Thánh cha.