Sứ điệp Đức Thánh cha nhân dịp kỷ niệm 10 năm Tông huấn “Niềm vui Tin mừng”

Photo: Vatican News

Đức Thánh cha Phanxicô tái khẳng định rằng sứ mạng loan báo Tin mừng và đời sống Kitô không thể lơ là với những người nghèo, vì chính họ đánh dấu con đường cứu chuộc. Cần thay đổi não trạng để chấm dứt các cuộc chiến tranh, cuộc khủng hoảng về khí hậu và di cư.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây, trong sứ điệp gửi Hội nghị do Bộ Phát triển nhân bản toàn diện tổ chức, nhân dịp kỷ niệm 10 năm Tông huấn Evangelii Gaudium, Niềm vui Tin mừng, công bố hồi đầu triều đại Giáo hoàng của ngài.

Sứ điệp của Đức Thánh cha có đoạn viết: “Chỉ khi nào chúng ta lắng nghe tiếng kêu thường bị bóp nghẹt của trái đất và người nghèo, chúng ta mới có thể chu toàn sứ mạng truyền giảng Tin mừng, sống cuộc sống Chúa Giêsu đề nghị và góp phần giải quyết các vấn đề trầm trọng của nhân loại”.

Đức Thánh cha cũng nhắc lại rằng, qua Tông huấn “Niềm vui Tin mừng” mời gọi các tín hữu hãy “khôi phục niềm vui thừa sai của các tín hữu Kitô tiên khởi”, mặc dù họ bị vu khống, xỉ nhục, bách hại, tra tấn và giết hại, nhưng họ chính là mô thức của một Giáo hội đi ra ngoài, biết đưa ra những sáng kiến mà không sợ hãi, ra đi gặp gỡ, tìm kiếm những người ở xa và mời gọi những người bị loại trừ.

Trong sứ điệp, Đức Thánh cha cũng khẳng định rằng: “Việc loan báo Tin mừng trong thế giới ngày nay tiếp tục đòi hỏi chúng ta phải kháng cự, theo tinh thần ngôn sứ, như một giải pháp khác về văn hóa, và điều này đứng trước cá nhân chủ nghĩa duy khoái lạc ngoại giáo, chế độ giết hại, loại trừ, hủy hoại phẩm giá con người, và não trạng hải đảo, xa lạ, giới hạn đời sống nội tâm vào những tư lợi của mình, xa cách tha nhân và Thiên Chúa, vì toàn thể con đường cứu chuộc được những người nghèo đánh dấu... Vì thế, không thể không đặt những người nghèo ở trung tâm. Đây không phải là chính trị, cũng chẳng phải là ý thức hệ, nhưng chỉ là đòi hỏi của Tin mừng”.

Ngoài ra, Đức Thánh cha nhấn mạnh rằng cần phải thay đổi não trạng, cần suy tư trong tinh thần cộng đồng và dành ưu tiên cho cuộc sống của mọi người, sống tình liên đới như quyết định trả lại cho người nghèo điều thuộc về họ. Trong niềm tôn trọng nền độc lập và văn hóa của mỗi nước, cần luôn nhớ rằng trái đất là của toàn thể nhân loại và dành cho nhân loại. Vì thế, cần phải lắng tai nghe tiếng kêu của các dân tộc khác, hiện cư ngụ tại đất nước chúng ta”.

(Vatican News 24-11-2023)