Kinh Truyền tin với Đức Thánh cha: Thánh giá Chúa dạy chúng ta rằng vinh quang đích thực là trở nên quà tặng và tha thứ

Photo: Vatican Media

Trưa Chúa nhật, ngày 17 tháng Ba năm 2024, trời Roma có nắng đẹp, đã có khoảng 10.000 tín hữu đến tham dự buổi đọc kinh Truyền tin với Đức Thánh cha Phanxicô tại Quảng trường thánh Phêrô. Nhân dịp này, ngài kêu gọi chấm dứt bạo lực tại Haiti và tái lập trật tự an ninh tại nước này.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Huấn từ của Đức Thánh cha

Trước khi đọc kinh Truyền tin, Đức Thánh cha đã diễn giải ý nghĩa bài Tin mừng Chúa nhật thứ V Mùa chay, Năm B và nói rằng:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay, Chúa nhật thứ V Mùa chay, trong khi chúng ta tiến đến gần Tuần thánh, trong bài Tin mừng theo thánh Gioan (Xc Ga 12,20-33), Chúa Giêsu nói với chúng ta một điều quan trọng: trên thánh giá, chúng ta sẽ thấy vinh quang của Ngài và của Chúa Cha (Xc vv.23.28).

Ý nghĩa vinh quang thập giá

Nhưng làm sao mà vinh quang Thiên Chúa được biểu lộ trên thánh giá? Thường ta nghĩ rằng vinh quang ấy diễn ra trong sự sống lại chứ không phải trên thánh giá, là biểu tượng một chiến bại, một thất bại! Trái lại, hôm nay Chúa Giêsu đề cập đến cuộc khổ nạn, Ngài nói: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh (v.23). Điều này có nghĩa là gì?

Có nghĩa là đối với Thiên Chúa, vinh quang không tương ứng với sự thành công của con người, thanh danh hoặc tiếng tăm: không có gì là tự tham chiếu, không phải là một biểu dương quyền lực vinh hiển kèm theo những lời tung hô của công chúng. Đối với Thiên Chúa, vinh quang là yêu thương đến độ hiến mạng sống. Đối với Chúa, được vinh quang nghĩa là hiến thân, trở nên sẵn sàng đón tiếp, cống hiến tình thương của Ngài. Và điều này xảy ra một cách tột đỉnh ở trên thánh giá, nơi Chúa Giêsu đã triển khai tối đa tình thương của Thiên Chúa, tỏ lộ hoàn toàn tôn nhan từ bi, hiến mạng sống và tha thứ cho những kẻ đóng đinh Ngài.

Vinh quang đích thực

Từ thánh giá, là “tòa giảng của Thiên Chúa”, Chúa dạy chúng ta rằng vinh quang đích thực, vinh quang không bao giờ phai tàn và làm cho chúng ta hạnh phúc, đó là trở nên quà tặng và tha thứ. Hồng ân và tha thứ là yếu tính vinh quang của Thiên Chúa. Và đối với chúng ta đó là con đường sự sống. Hồng ân và tha thứ: đó là những tiêu chuẩn rất khác với điều chúng ta thấy chung quanh, và cả trong chúng ta nữa, khi chúng ta nghĩ đến vinh quang như một cái gì để nhận lãnh hơn là trao ban; như một cái gì cần sở hữu hơn là cống hiến. Nhưng vinh quang trần thế qua đi và chẳng để lại niềm vui trong tâm hồn. Nó cũng chẳng mang lại điều tốt lành cho mọi người, nhưng đưa tới chia rẽ, bất hòa và ghen tương.

Áp dụng vào thực tế

Vậy, chúng ta có thể tự hỏi: đâu là vinh quang mà tôi mong muốn cho tôi, cho cuộc sống của tôi, mơ ước cho tương lai của tôi? Phải chăng đó là làm cho những người khác ngưỡng mộ vì thành tích tốt đẹp của tôi, vì những khả năng hoặc những gì tôi sở hữu? Hoặc đó là con đường trao ban và tha thứ, con đường của Chúa Giêsu chịu đóng đinh, con đường của người không mệt mỏi vì yêu thương, tín thác bằng điều làm chứng cho Thiên chúa trong thế giới và làm rạng ngời vẻ đẹp của cuộc sống? Thực vậy, chúng ta hãy nhớ rằng, khi chúng ta cho đi và tha thứ, trong chúng ta vinh quang Thiên Chúa chiếu tỏa rạng ngời.

Rồi, Đức Thánh cha kết luận: Xin Đức Trinh Nữ Maria, Đấng đã tin tưởng theo Chúa Giêsu trong giờ khổ nạn, giúp chúng ta là phản ánh sống động tình yêu của Chúa Giêsu.

Chào thăm và kêu gọi

Sau khi đọc kinh và ban phép lành cho các tín hữu, Đức Thánh cha lưu ý các tín hữu về vài vấn đề thời sự:

Trước hết, Đức Thánh cha “thở phào nhẹ nhõm” vì hôm mùng 10 tháng Ba vừa qua, ba nữ tu thuộc Dòng thánh Giuse de Cluny, ở Haiti đã được trả tự do sau năm ngày bị bắt cóc từ Cô nhi viện La Madeleine ở Croix-des-Bouquets.

Cùng hôm đó, bốn trong số sáu thầy thuộc Dòng các Tu huynh Thánh Tâm cũng được trả tự do. Các thầy bị bắt cóc ngày 23 tháng Hai, trong khi đi tới cứ điểm truyền giáo là trường thánh Gioan XXIII ở khu Bicentenaire thuộc thủ đô Port-au-Prince.

Đức Thánh cha kêu gọi trả tự do cho các thầy và những nạn nhân khác còn bị giam giữ. Ngài cầu mong cho đất nước này sớm được một cơ cấu mới, bảo đảm an ninh và trật tự cho dân chúng. Mới đây, Thủ tướng lâm thời Ariel Henry của Haiti đã từ chức.

Đức Thánh cha không quên cầu nguyện cho các nước đang chịu đau khổ vì chiến tranh, như: Ucraina, Palestine, và đặc biệt là Syria chịu chiến tranh từ mười ba năm nay.

Sau cùng, Đức Thánh cha chúc mọi người một Chúa nhật an lành, đồng thời xin họ đừng quên cầu nguyện cho ngài.

Tags