Kinh Truyền tin với Đức Thánh cha: Thái độ của Thiên Chúa là gần gũi, cảm thương và dịu dàng

Pope Francis during Angelus | VATICAN MEDIA Divisione Foto

Trưa Chúa nhật, ngày 04 tháng Hai năm 2024, Đức Thánh cha Phanxicô đã chủ sự buổi đọc kinh Truyền tin tại Quảng trường thánh Phêrô, với gần 10.000 tín hữu. Đức Thánh cha chúc Tết các dân tộc Đông Á, nhắc nhở các tín hữu về Ngày Thế giới chống nạn buôn người, ngày 08 tháng Hai tới đây, cũng như kêu gọi cầu nguyện cho các dân tộc đang đau khổ vì chiến tranh.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Huấn từ của Đức Thánh cha

Trong huấn từ ngắn trước khi đọc kinh Truyền tin, Đức Thánh cha diễn giải ý nghĩa bài Tin mừng Chúa nhật thứ V mùa Thường niên Năm B, thuật lại việc Chúa Giêsu chữa lành nhiều bệnh nhân và những người bị quỷ ám.

Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Bài Tin mừng phụng vụ hôm nay trình bày cho chúng ta việc Chúa Giêsu di chuyển: Thực vậy, vừa kết thúc bài giảng và ra khỏi Hội đường, Ngài đến nhà của Simon Phêrô, tại đó Ngài chữa bà mẹ vợ của Phêrô khỏi bệnh sốt; rồi vào lúc chiều tối, Chúa lại ra ngoài, đến cửa thành, tại đây, Ngài thấy nhiều bệnh nhân và những người bị quỷ ám, nên đã chữa lành họ; sáng hôm sau, Chúa dậy sớm và ra đi, để lui vào nơi riêng để cầu nguyện sau cùng, Chúa lại lên đường tiến qua miền Galilea (Xc Mc 1,29-39). Chúa Giêsu luôn di chuyển.

Chúng ta hãy dừng lại nơi sự di chuyển liên tục của Chúa Giêsu, là điều nói với chúng ta một điều quan trọng về Thiên Chúa, và đồng thời đặt vài câu hỏi cho chúng ta về đức tin của chúng ta.

Chúa Giêsu đi gặp nhân loại bị thương, tỏ cho chúng ta thấy tôn nhan của Chúa Cha. Có thể là trong chúng ta vẫn còn tưởng về một Thiên Chúa xa cách, lạnh lùng, dửng dưng đối với số phận chúng ta. Trái lại, Tin mừng cho chúng ta thấy rằng Chúa Giêsu, sau khi giảng dạy trong Hội đường, ra ngoài, để Lời mà Ngài rao giảng đi tới, chạm tới và chữa lành con người. Làm như thế, Chúa tỏ cho chúng ta thấy Thiên Chúa không phải là một ông chủ tách biệt và nói với chúng ta từ trên cao. Nhưng trái lại, Ngài là một người Cha đầy yêu thương, trở nên gần gũi, viếng thăm nhà chúng ta, muốn cứu độ và giải thoát, chữa lành mọi bệnh tật thân xác và tinh thần. Thiên Chúa luôn gần gũi chúng ta. Thái độ của Thiên Chúa có thể được diễn tả trong ba từ là: gần gũi, cảm thương và dịu dàng. Thiên Chúa trở nên gần gũi để đồng hành với chúng ta, dịu dàng và để tha thứ cho chúng ta. Chúng ta đừng quên điều này: gần gũi, cảm thương và dịu dàng. Đó là thái độ của Thiên Chúa.

Xét mình

Sự tiến bước liên tục của Chúa Giêsu đặt câu hỏi cho chúng ta. Chúng ta có thể tự hỏi: Chúng ta đã khám phá khuôn mặt của Thiên Chúa như người Cha đầy lòng xót thương, hay chúng ta tin và công bố một Thiên Chúa lạnh lùng và xa cách? Đức tin có làm cho chúng ta khắc khoải trên đường hay nó là một sự an ủi nội tâm, để cho chúng ta yên hàn? Chúng ta cầu nguyện để thấy an bình hoặc là Lời mà chúng ta nghe và rao giảng, thúc đẩy chúng ta, như Chúa Giêsu đi tới những người khác để làm tỏa lan sự an ủi của Thiên Chúa? Những câu hỏi này, chúng ta nên đặt cho chính mình.

Chúng ta hãy nhìn con đường của Chúa Giêsu và nhớ rằng công việc đầu tiên về đàng thiêng liêng là: rời bỏ Thiên Chúa mà chúng ta tưởng là đã biết và hãy hoán cải mỗi ngày về cùng Thiên Chúa mà Chúa Giêsu trình bày cho chúng ta trong Tin mừng, là Người Cha đầy yêu thương và thương xót. Chúa Cha gần gũi, cảm thương và dịu dàng. Khi chúng ta khám phá tôn nhan đích thực của Chúa Cha, thì đức tin của chúng ta trưởng thành, và chúng ta không còn là những Kitô hữu trong nhà thánh, hoặc là những Kitô hữu phòng trà, nhưng chúng ta cảm thấy được kêu gọi trở thành những người mang hy vọng và sự chữa lành của Thiên Chúa.

Rồi Đức Thánh cha kết luận với lời nguyện: Lạy Mẹ Maria chí thánh, là Người Nữ lữ hành, xin giúp chúng con loan báo và làm chứng rằng Chúa gần gũi, cảm thương và dịu dàng.

Chào thăm và kêu gọi

Sau khi đọc kinh và ban phép lành cho các tín hữu, Đức Thánh cha chúc Tết Âm lịch các dân tộc ở miền Đông Á châu và nói: “Ngày 10 tháng Hai sắp tới, tại Á Đông và nhiều nơi trên thế giới, dân chúng mừng Tết âm lịch. Tôi thân ái gửi lời chào và cầu chúc cho Tết này là cơ hội để sống những tương quan thân ái và những cử chỉ quan tâm, góp phần kiến tạo một xã hội liên đới và huynh đệ, nơi mà mỗi người được nhìn nhận và đón tiếp trong phẩm giá bất khả nhượng. Trong khi tôi cầu khẩn phúc lành của Chúa trên mỗi người, tôi mời gọi cầu nguyện cho hòa bình mà thế giới đang mong ước và ngày hôm nay hơn bao giờ hết, đang gặp nguy hiểm tại nhiều nơi. Đây không phải là trách nhiệm của một ít người, nhưng là của toàn gia đình nhân loại: tất cả chúng ta hãy cộng tác để xây dựng hòa bình với những cử chỉ cảm thương và can đảm.”

Đức Thánh cha kêu gọi tiếp tục cầu nguyện cho các dân tộc đang đau khổ vì chiến tranh, đặc biệt là Ucraina, Palestine và Israel.

Ngài cũng nhắc đến Ngày bênh vực sự sống ở Ý, Ngày cầu nguyện và suy tư chống nạn buôn người, ngày 08 tháng này, chia buồn với các nạn nhân hỏa hoạn lớn ở miền trung Chile, đồng thời chào thăm các nhóm tín hữu hành hương có mặt tại Quảng trường.

Sau cùng, Đức Thánh cha cầu chúc mọi người một Chúa nhật an lành, đồng thời xin họ đừng quên cầu nguyện cho ngài.

Tags