Đức Thánh cha tiếp kiến Đài RAI của Ý

Photo: Vatican Media

Sáng hôm 23 tháng Ba vừa qua, Đức Thánh cha Phanxicô đã tiếp ban lãnh đạo và các cộng tác viên của Đài truyền hình và phát thanh RAI của Ý, nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập đài truyền hình và 100 năm phát thanh.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Đây là đài của chính phủ Ý và hiện có hơn 12.700 nhân viên các cấp.

Ngỏ lời trong dịp này, Đức Thánh cha nhận xét rằng: “Chúng ta đang ở Vatican, và nhiều người trong anh chị em biết rất rõ nơi này, vì ngay từ khi mới thành lập, đài RAI vẫn luôn theo dõi sát các hoạt động của các vị kế nhiệm thánh Phêrô”.

Đức Thánh cha cũng nêu bật đặc tính của Đài RAI là một dịch vụ công cộng, là một câu trả lời cho các nhu cầu của công dân, một đóng góp cho sự thật và công ích được biểu lộ qua việc thông tin, giải trí, văn hóa và kỹ thuật. Đức Thánh cha nói: “Trong lãnh vực thông tin, phục vụ chủ yếu có nghĩa là tìm kiếm và thăng tiến sự thật, chống lại sự phổ biến những fake news, tin giả, một ý đồ tinh quái của người tìm cách ảnh hưởng trên quần chúng theo thể thức ý thức hệ, dối trá và làm băng hoại cơ cấu xã hội”.

“Phục vụ cũng có nghĩa là tránh mọi sự thu hẹp lừa đảo, nhớ rằng sự thật là “hợp âm”, và ta lãnh hội nó rõ hơn bằng cách học lắng nghe những tiếng nói khác nhau - như trong một ca đoàn, - thay vì chỉ luôn hét to những ý tưởng của mình”.

“Phục vụ cũng có nghĩa là đáp ứng quyền của người dân được thông tin đúng đắn, được thông truyền không thành kiến, không rút ra những kết luận vội vã, nhưng dành thời gian cần thiết để hiểu và suy tư, bài trừ sự ô nhiễm tri thức”.

Sau cùng, phục vụ thông tin có nghĩa là bảo đảm một sự đa nguyên trong thái độ tôn trọng các ý kiến và nguồn mạch khác nhau”.

Đức Thánh cha nhận xét rằng hoạt động của Đài RAI là một dịch vụ công cộng, điều này nhắc nhở rằng “công việc của anh chị em có liên hệ với công ích của tất cả mọi người, chứ không phải là của vài người mà thôi. Điều này cũng bao hàm trước tiên, cố gắng để ý và đặc biệt dành tiếng nói cho những người rốt cùng, những người nghèo nhất, người không có tiếng nói, người bị gạt ra ngoài lề”.

Việc phục vụ công cộng này cũng bao gồm ơn gọi trở thành dụng cụ làm tăng trưởng trong kiến thức, gây suy nghĩ chứ không làm tha hóa, đồng thời mở ra những chân trời mới về thực tại, chứ không giúp nuôi dưỡng thái độ tự mãn, và giúp những người trẻ mơ ước những điều lớn, với tâm trí và cái nhìn cởi mở”.

(Rei 23-3-2024)

Tags