Đức Thánh cha tiếp kiến các Đại sứ của Hội Hiệp sĩ Malta

Photo: Vatican Media

Sáng hôm 27 tháng Giêng năm 2024, Đức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến các Đại sứ của Hội Hiệp sĩ Malta và ngài cổ võ sự cộng tác giữa các vị với các đại diện của Tòa Thánh tại các nước, trong việc phục vụ nhân loại nơi lãnh vực nhân đạo và bác ái.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Hội Hiệp sĩ Malta là một tổ chức có quy chế của một thực thể quốc tế, hiện hữu từ gần 1.000 năm nay, có chủ quyền như một quốc gia, có quan hệ ngoại giao trên cấp đại sứ với 116 nước và có 37 sứ bộ cạnh các tổ chức quốc tế trên thế giới. Về phương diện tinh thần và tu đức, hội có quy chế như một dòng tu Công giáo và dưới khía cạnh này hội tùy thuộc Đức Giáo hoàng.

Hội Hiệp sĩ này hiện có khoảng 13.500 thành viên nam nữ trên thế giới, trong đó chỉ có gần 40 thành viên có ba lời khấn như tu sĩ. Ngoài ra, hội có 80.000 thiện nguyện viên trên thế giới, trong đó có nhiều bác sĩ và nhân viên y tế. Phần lớn các hoạt động của hội thuộc lãnh vực từ thiện và y tế.

Ngỏ lời trong buổi tiếp kiến, sau khi nhắc đến quá trình khai sinh do chân phước Gerado và hoạt của Hội Hiệp sĩ Malta, Đức Thánh cha nêu bật hai khía cạnh của hội, vừa như một thực thể quốc tế, vừa như một dòng tu được Tòa Thánh phê chuẩn. Dưới khía cạnh này, tùy thuộc Tòa Thánh, hội có nhiệm vụ vâng phục Đức Giáo hoàng như bề trên tối cao của các dòng tu (GL 590).

Vì thế, Đức Thánh cha nói: “Điều quan trọng là giữa đại diện ngoại giao của hội và Đại diện Tòa Thánh tại mỗi nơi thiết lập một quan hệ cộng tác phong phú với nhau, trong một hoạt động chung mưu ích cho Giáo hội và xã hội; cũng vậy, liên hệ của hội với Đức Giáo hoàng không phải là một sự giới hạn tự do của Hội Hiệp sĩ, nhưng là một sự bảo tồn, được biểu lộ qua sự ân cần quan tâm của Đức Giáo hoàng trong việc tìm kiếm thiện ích lớn hơn, như đã hơn một lần xảy ra với những những can thiệp trực tiếp trong những lúc khó khăn”.

Đức Thánh cha nói thêm rằng: “Vì thế, sự tùy thuộc của Hội Hiệp sĩ Malta đối với Tòa Thánh không giảm bớt tầm quan trọng của các đại diện ngoại giao của hội, đúng hơn nó càng giúp lãnh hội hơn ý nghĩa hoạt động ngoại giao như những kênh hoạt động tông đồ - bác ái của Hội Hiệp sĩ, cởi mở và quảng đại đặc biệt tại những nơi đang cần”. Đó là một nền “ngoại giao nhân đạo. Vì thế, đại diện ngoại giao của Hội Hiệp sĩ là người mang đặc sủng của hội, qua đó, đại diện ấy cảm thấy mình được kêu gọi chu toàn trách nhiệm của mình như một sứ mạng Giáo hội”.

(Sala Stampa 27-1-2024)

Trực tiếp

Livesteam thumbnail