Đức Thánh cha cử hành thánh lễ Chúa nhật Lời Chúa

Lúc gần 9 giờ 30, sáng Chúa nhật, ngày 21 tháng Giêng năm 2024, Đức Thánh cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ trọng thể tại Đền thờ thánh Phêrô, nhân Chúa nhật Lời Chúa Lần thứ Năm, với sự tham dự của khoảng 6.000 tín hữu.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Đồng tế với Đức Thánh cha, có hơn 20 hồng y và giám mục cùng với khoảng 150 linh mục. Trong thánh lễ, Đức Thánh cha đã chủ sự nghi thức trao ban tác vụ đọc sách và giúp lễ cho hai nữ giáo dân và tám giáo lý viên, trong đó có hai phụ nữ Hàn Quốc.

Cộng tác vào việc tổ chức thánh lễ này, đặc biệt có Phân bộ về Các vấn đề cơ bản loan báo Tin mừng trong thế giới, thuộc Bộ Loan báo Tin mừng. Phân bộ này cũng đã soạn tài liệu giúp các giáo phận cử hành Chúa nhật Lời Chúa, năm nay có chủ đề là: “Các con hãy ở lại trong Lời Thầy”, Tin mừng theo thánh Gioan, đoạn 8 câu 31.

Đức Tổng giám mục Rino Fisichella, Quyền Tổng trưởng, đặc trách Phân bộ Các vấn đề cơ bản trong việc loan báo Tin mừng trên thế giới, đã thay Đức Thánh cha cử hành các nghi thức thánh lễ tại bàn thờ.

Sau khi Tin mừng được công bố, các ứng viên đọc sách và ứng sinh giáo lý viên được thầy phó tế mời gọi trình diện, xướng danh, và giới thiệu lên Giáo hội để lãnh nhận các thừa tác vụ.

Bài giảng của Đức Thánh cha

Trong bài giảng tiếp đó, dựa vào các bài đọc của ngày lễ, Đức Thánh cha trình bày sức mạnh thu hút của Lời Chúa đối với các môn đệ đầu tiên và sai họ ra đi, như đã xảy ra với các thánh của Chúa. Ngài cũng phân tích lý do tại sao nhiều khi Lời Chúa không có tác dụng trên chúng ta, và cầu mong Chúa nhật Lời Chúa này giúp chúng ta trở lại với nguồn mạch đức tin vốn nảy sinh từ việc lắng nghe Chúa Giêsu.

Sức mạnh và sự thu hút của Lời Chúa

Tin mừng theo thánh Marco kể lại: “Chúa Giêsu nói với họ: “Các anh hãy theo tôi” [...] và họ bỏ lưới ngay để theo Ngài” (Mc 1,17-18). Thật là sức mạnh của Lời Chúa, như chúng ta đã nghe trong bài đọc thứ I: “Chúa nói với Giona: “Hãy trỗi dây, đi đến thành Ninive [...] và loan báo cho họ” [...]. Ông Giona đứng lên và ra đi [...] theo Lời Chúa” (St 3,1-3). Lời Chúa làm bộc phát quyền năng của Chúa Thánh Linh”.

Đó là sức mạnh lôi kéo đến cùng Thiên Chúa, như đã xảy ra cho các thanh niên ngư phủ và ngôn sứ Giona. “Lời Chúa cũng muốn làm như vậy đối với mỗi người chúng ta. Giống như các môn đệ đầu tiên đã đón nhận lời Chúa Giêsu, họ bỏ lưới và bắt đầu một cuộc phiêu lưu tuyệt vời, cũng vậy trên những bờ của đời sống chúng ta, cạnh những con thuyền của thân nhân và lưới của công việc làm, Lời Chúa khơi dậy tiếng gọi của Chúa Giêsu. Chúa gọi chúng ta ra khơi với Ngài cho những người khác. Đúng vậy, Lời Chúa khơi dậy sứ mạng, làm cho chúng ta trở thành những sứ giả và chứng nhân của Chúa cho một thế giới đầy lời nói, nhưng đang khao khát Lời Chúa, Lời nhiều khi bị làm ngơ không biết đến. Giáo hội sống bằng năng động ấy: Giáo hội được Chúa Kitô kêu gọi, thu hút, và được sai đi làm chứng về Chúa”.

Chướng ngại

Đức Thánh cha cũng đặt câu hỏi: tại sao đối với nhiều người trong chúng ta, Lời Chúa không có tác dụng? Có lẽ vì, như các thánh chứng tỏ, điều cần là đừng “điếc” đối với Lời Chúa. Nguy hiểm chúng ta gặp phải là bị hàng ngàn lời nói đảo lộn, chúng ta để cho mình trượt qua Lời Chúa: chúng ta nghe thấy, nhưng không lắng nghe; chúng ta lắng nghe nhưng không giữ; chúng ta giữ nhưng không để cho mình được kích thích, thay đổi. Nhất là chúng ta đọc Lời Chúa, nhưng không cầu nguyện với Lời Chúa.” Công đồng Vatican II dạy: “Việc đọc Kinh thánh phải được đi kèm bằng kinh nguyện, để cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và con người diễn ra” (Dei Verbum, 25). Chúng ta đừng quên hai chiều kích nền tảng của kinh nguyện Kitô, đó là lắng nghe Lời và thờ lạy Chúa. Chúng ta hãy dành chỗ cho Lời Chúa Giêsu được cầu nguyện và sẽ xảy ra như cho các môn đệ đầu tiên.”

Các môn đệ đầu tiên

Đức Thánh cha cũng nhắc lại phản ứng của các môn đệ đầu tiên: họ từ bỏ và đi theo Chúa.

Họ rời bỏ thuyền và lưới, nghĩa là cuộc sống của họ cho đến bấy giờ. “Bao nhiêu lần chúng ta khó từ bỏ những an ninh, thói quen của chúng ta, vì chúng ta tiếp tục bị kẹt trong đó, như cá trong lưới. Nhưng ai tiếp xúc với Lời Chúa, thì được tách khỏi những ràng buộc của quá khứ, vì Lời Chúa sinh động giải thích lại cuộc sống, chữa lành ký ức bị thương tổn, khơi dậy ký ức về Thiên Chúa và những điều Chúa làm cho chúng ta”.

Rồi các môn đệ đi theo Thầy. “Thực vậy, Lời Chúa, trong khi giải thoát khỏi những ràng buộc của quá khứ và hiện tại, làm ta trưởng thành trong sự thật và bác ái: hồi sinh tâm hồn, đánh động, thanh tẩy khỏi những giả hình và làm cho tâm hồn tràn đầy hy vọng. Kinh thánh làm chứng rằng Lời Chúa cụ thể và hiệu năng: “Như nước mưa và tuyết” cho đất (Xc Is 55,10-11); như “lửa”, như “búa đập vỡ đá” (Ger 23.29), như một gươm sắc bén ‘phân định những tâm tình và tư tưởng của con tim” (Dt 4,12) ...

Và Đức Thánh cha kết luận rằng: Anh chị em thân mến, ước gì Chúa nhật Lời Chúa giúp chúng ta vui mừng trở lại nguồn mạch của đức tin, vốn nảy sinh từ sự lắng nghe Chúa Giêsu là Lời của Thiên Chúa hằng sống. Trong khi người ta nói và đọc được liên tục những lời nói về Giáo hội, ước gì Chúa nhật này giúp chúng ta tái khám phá Lời Sự Sống vang dội trong Giáo hội! Chẳng vậy, rốt cuộc chúng ta nói nhiều về mình hơn là về Chúa; và ở nơi trung tâm vẫn còn lại những tư tưởng và các vấn đề của chúng ta, thay vì Chúa Kitô với Lời của Chúa.

Chỗ đứng của Lời Chúa trong cuộc sống

“Sau cùng, chúng ta hãy tự hỏi: tôi dành chỗ nào cho Lời Chúa nơi tôi cư ngụ? Tại đó, chúng ta có sách, báo, truyền hình, điện thoại, nhưng sách Kinh thánh ở đâu? Trong phòng tôi, tôi có để sách Kinh thánh vừa tầm tay hay không? Tôi có đọc Kinh thánh mỗi ngày để tìm thấy trong đó lộ trình cho cuộc sống của tôi hay không? Bao nhiêu lần tôi đã khuyên hãy luôn mang theo sách Tin mừng, trong túi, trong giỏ, trong điện thoại di động: nếu Chúa Kitô là người thân thiết nhất đối với tôi hơn mọi sự, làm sao tôi có thể để Lời Ngài ở nhà, và không mang theo? Và câu hỏi cuối cùng: tôi đã đọc trọn ít là một trong bốn sách Tin mừng chưa? Tin mừng là sách sự sống, đơn sơ và ngắn gọn, vậy mà bao nhiêu tín hữu không hề đọc một sách Tin mừng từ đầu tới cuối”.

Nghi thức trao ban tác vụ

Trao tác vụ đọc sách

Sau bài giảng, Đức Thánh cha ngỏ lời với các ứng viên và nói: “Giờ đây, các con trở thành những người đọc sách, tức là những người loan báo Lời Chúa. Các con được kêu gọi cộng tác vào công tác hàng đầu này trong Giáo hội. Vì thế, các con được trao phó một nhiệm vụ đặc biệt, đặt chúng con phục vụ đức tin, đức tin này có căn cội và nền tảng trong Lời Chúa.

“Các con hãy công bố Lời Chúa trong cộng đoàn phụng vụ, hãy giáo dục các trẻ em và người lớn về đức tin và hướng dẫn họ lãnh nhận xứng đáng các bí tích; các con hãy loan báo Tin mừng cứu độ trong tinh thần truyền giáo cho những người chưa biết Tin mừng. Qua con đường này và với sự cộng tác của các con, nhiều người có thể được biết Chúa Cha và Con của Ngài là Đức Giêsu Kitô, mà Chúa Cha đã sai đi và nhờ đó họ sẽ được sự sống đời đời.

“Vì thế, điều cần thiết là trong khi các con loan báo cho người khác Lời của Thiên Chúa, chính các con hãy biết đón nhận Lời Chúa với tinh thần ngoan ngoãn hoàn toàn đối với Chúa Thánh Linh; các con hãy suy niệm Lời Chúa mỗi ngày để ngày càng biết rõ hơn, sâu đậm hơn, và nhất là làm chứng bằng chính cuộc sống của các con cho Chúa Giêsu Kitô Cứu Thế”.

Sau đó, mọi người đều đứng lên, trong khi các ứng viên đọc sách quỳ gối. Đức Thánh cha đọc lời nguyện trước khi trao sách Kinh thánh cho mỗi người và nói: “Con hãy nhận sách Kinh thánh này và trung thành thông truyền Lời Chúa, để Lời Chúa nảy mầm và mang lại hoa trái trong tâm hồn con người”.

Đặt làm giáo lý viên

Sau các nghi thức trên đây, Đức Thánh cha nhắn nhủ các ứng sinh làm giáo lý viên và nói rằng: “Tất cả các tín hữu đã chịu phép rửa, trong tư cách được tham gia vào sứ mạng của Chúa Kitô linh mục, ngôn sứ và vua, họ có phần tích cực trong đời sống và hoạt động của Giáo hội. Trong số họ, có một số người nhận được ơn gọi đặc biệt là thi hành các thừa tác vụ mà Giáo hội đã thiết lập.

“Giờ đây, các con là những người đã hoạt động tích cực trong cộng đoàn Kitô. Các con được kêu gọi lãnh một thừa tác vụ bền vững là làm giáo lý viên, để sống khẩn trương hơn tinh thần tông đồ, theo gương những người nam nữ đã giúp thánh Phaolô và các tông đồ khác trong việc phổ biến Tin mừng.

“Ước gì sứ vụ của anh chị em luôn ăn rễ sâu trong một cuộc sống cầu nguyện, được xây dựng trên đạo lý lành mạnh và được sự hăng say tông đồ chân chính linh hoạt.

“Các con hãy dẫn đến gần Giáo hội những người có lẽ đang sống xa lìa Hội thánh; hãy cộng tác với tinh thần tận tụy quảng đại trong việc thông truyền Lời Chúa; hãy liên lỉ vun trồng cảm thức về Giáo hội địa phương, với tế bào là giáo xứ.

“Là những chứng nhân đức tin, là thầy dạy và là người giải thích các mầu niệm, là những người đồng hành và sư phạm giáo huấn nhân danh Giáo hội, các con được kêu gọi cộng tác với các thừa tác viên thánh chức trong nhiều hình thức tông đồ khác nhau, đồng trách nhiệm về sứ mạng được ủy thác cho Giáo hội, luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai hỏi các con về lý do tại sao các con hy vọng”.

Tiếp đến, các ứng sinh quỳ gối trước mặt Đức Thánh cha. Ngài mời gọi mọi người cầu nguyện trong thinh lặng, trước khi đọc lời nguyện xin Chúa chúc lành cho các con cái Chúa được chọn làm giáo lý viên, cộng tác với các mục tử trong nhiều hình thức để xây dựng nước Chúa.

Nghi thức kết thúc với việc Đức Thánh cha trao thánh giá cho mỗi giáo lý viên và nói: “Con hãy nhận dấu hiệu đức tin của chúng ta, là tòa chân lý và bác ái của Chúa Kitô, hãy loan báo về Chúa bằng cuộc sống, hành động và lời nói.

Thánh giá Đức Thánh cha trao cho mỗi giáo lý viên là bản sao thánh giá đeo ngực đã được hai thánh Giáo hoàng Phaolô VI và Gioan Phaolô II sử dụng.

Thánh lễ kết thúc vào lúc hơn 11 giờ, sau đó, vào đúng 12 giờ trưa, Đức Thánh cha chủ sự buổi đọc Kinh Truyền tin với các tín hữu hành hương tại Quảng trường thánh Phêrô.

Tags