Diễn văn của Đức Thánh cha trong buổi khai mạc Ngôi Nhà các Tín ngưỡng ở Dubai

Đức Thánh cha Phanxicô đề cao tín ngưỡng tôn giáo như nguồn mạch gặp gỡ và hoạt động trong nỗ lực bảo tồn căn nhà chung của nhân loại.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Ngài nhấn mạnh ý tưởng này trong Sứ điệp Video gửi các vị lãnh đạo tôn giáo, trong buổi khánh thành Ngôi Nhà chung các Tín ngưỡng tại Hội nghị COP28 của Liên Hiệp Quốc, đang tiến hành ở Dubai về sự thay đổi khí hậu.

Hiện diện tại buổi khánh thành, lúc 9 giờ sáng Chúa nhật, ngày 03 tháng Mười Hai vừa qua, đặc biệt có ông Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Hoàng thân Chủ tịch Hội nghị COP28 và Đại Imam của Đại học Al-Azhar của Hồi giáo Sunnit ở Cairo, Ai Cập, cùng với Hội đồng Trưởng lão Hồi giáo.

Đức Thánh cha khẳng định rằng: “Điều quan trọng là chúng ta gặp nhau ở đây, vượt lên trên những khác biệt, như anh chị em trong nhân loại, nhất là như những tín hữu, để nhắc nhở cho bản thân và thế giới rằng, như những người lữ hành đang được chờ đợi trên mặt đất này, chúng ta cần phải bảo tồn căn nhà chung. (...)”.

Đức Thánh cha cũng nhận xét rằng “Con người chúng ta là những phàm nhân, có giới hạn và bảo vệ sự sống cũng có nghĩa là chống lại sự say điên cuồng muốn được toàn năng đang tàn phá trái đất. Sự mê sảng ấy phát sinh khi con người coi mình là chúa tể thế giới, sống như thể không có Thiên Chúa, để cho mình bị thu hút vì những gì chóng qua. Khi ấy, thay vì sử dụng kỹ thuật thì lại để cho kỹ thuật thống trị, trở thành hàng hóa và dửng dưng: không có khả năng khóc và cảm thương.... Khi đặt mình ở trên luân lý và sự thận trọng, người ta đi tới chỗ tàn phá cả những gì để cho mình được sống. Đó là lý do tại sao thảm trạng khí hậu cũng là một thảm trạng về tôn giáo: vì căn cội của nó là do sự tự mãn và tự phụ của tạo vật. Nhưng “thụ tạo mà không có Đấng Tạo Hóa thì tàn lụi” (SP 36).

Đức Thánh cha cũng nhận định rằng, trái với những điều trên đây, “ước gì Ngôi nhà này trở thành nơi gặp gỡ và các tôn giáo luôn luôn là nơi hiếu khách, làm chứng trong tinh thần ngôn sứ về nhu cầu siêu việt, nói với thế giới về tình huynh đệ, tôn trọng và săn sóc nhau, không hề biện minh bằng bất cứ cách nào cho sự ngược đãi công trình sáng tạo”.

Vai trò của Ngôi Nhà các Tín ngưỡng

Đức Thánh cha nói thêm rằng: “Tình trạng vừa nói đưa chúng ta đến một đề tài chính của Ngôi Nhà này và của tín ngưỡng tôn giáo, đó là cần cấp thiết hoạt động cho môi trường, nhưng không phải chỉ dùng nhiều tài nguyên kinh tế hơn, mà còn cần biến đổi lối sống; và để được như vậy, cần giáo dục về lối sống điều độ và huynh đệ. Đó là một hành động không thể từ bỏ đối với các tôn giáo: các tôn giáo được kêu gọi giáo dục về sự chiêm niệm, vì công trình tạo dựng không phải chỉ là một hệ thống cần bảo tồn, nhưng còn là một hồng ân cần đón nhận. Một thế giới nghèo về chiêm niệm sẽ là một thế giới bị ô nhiễm trong tâm hồn, nó tiếp tục gạt bỏ con người và tạo nên những đồ phế thải; một thế giới không cầu nguyện, thì sẽ nói bao nhiêu lời nhưng thiếu lòng cảm thương và nước mắt, chỉ sống bằng tinh thần duy vật, với tiền bạc và võ khí”.

Trong sứ điệp, Đức Thánh cha không quên nói đến liên hệ hỗ tương giữa hòa bình việc bảo tồn công trình tạo dựng. Ngài viết: “chúng ta thấy trước mắt những chiến tranh và xung đột đang làm hại môi trường và phân rẽ các dân nước, cản trở sự cùng nhau dấn thân về những đề tài chung, như việc bảo tồn trái đất. Một căn nhà chỉ có thể sống được đối với tất cả mọi người nếu có một bầu không khí hòa bình ở bên trong nhà. Cũng vậy, đối với trái đất của chúng ta, trái đất dường như đang hiệp với tiếng kêu của các trẻ em và người nghèo để gióng lên tới trời cao một lời khẩn cầu duy nhất là hòa bình!”

(Rei 3-12-2023)

Tags