Buổi Canh thức Đại kết chuẩn bị Thượng Hội đồng Giám mục

Lúc 4 giờ 30, chiều thứ Bảy, ngày 30 tháng Chín vừa qua, một buổi canh thức đại kết cầu nguyện, phó thác cho Chúa Thánh Linh công việc của Khóa họp thứ I của Thượng Hội đồng Giám mục thế giới kỳ thứ XVI, từ ngày 04 đến ngày 29 tháng Mười tới đây, tại Vatican, đã được cử hành tại Quảng trường thánh Phêrô.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Buổi canh thức có chủ đề là: “Cùng nhau - Tập hợp dân Chúa” (Together - Raduno del Popolo di Dio), gồm có hai phần: trước hết là tạ ơn Chúa vì bốn hồng ân, tiếp đến là buổi canh thức cầu nguyện chính thức do Đức Thánh cha chủ sự.

Chính Đức Thánh cha đã mong muốn có buổi canh thức này để hồi niệm và khẩn cầu Chúa Thánh Linh, với sự tham dự của hàng ngàn người trẻ từ Âu, Mỹ, Á và Phi châu. Tòa Giám quản Roma cho biết có các tín hữu đến từ 80 giáo xứ và cộng đoàn các dòng tu ở giáo phận thủ đô.

Buổi canh thức này trùng vào thời điểm các Giáo hội Kitô cử hành mùa công trình tạo dựng, từ ngày 01 tháng Chín đến ngày 04 tháng Mười, nên Quảng trường thánh Phêrô được biến thành một “vườn” với nhiều cây và hoa, với thánh giá thánh Damiano của thánh Phanxicô.

Từ quá 4 giờ 30, 3.000 bạn trẻ từ 18 đến 35 tuổi, đến từ các nước Âu châu và thuộc các hệ phái Kitô khác nhau đã bắt đầu ca hát và cầu nguyện, dưới sự hướng dẫn của Cộng đoàn đại kết Taizé, cùng với sự tham dự của Đức Hồng y Angelo de Donatis, Giám quản Roma và và nhiều giám mục khác, trước Ảnh Đức Mẹ là Phần rỗi của dân Roma và Sách thánh.

Canh thức cầu nguyện đại kết

Từ lúc 5 giờ, buổi cầu nguyện có sự hiện diện của Đức Thánh cha và các thủ lãnh các Giáo hội Kitô khác, sẽ đến Quảng trường thánh Phêrô, trong số này có Đức Thượng phụ Bartolomaios, Giáo chủ Chính thống Constantinople, Đức Tổng giám mục Justin Welby, Giáo chủ Liên hiệp Anh giáo, Đức Thượng phụ Teofilo III của Chính thống giáo tại Jerusalem, một đại diện của Đức Thượng phụ Teodoro II, Giáo chủ Chính thống Copte Ai Cập, một số đại diện các Giáo hội Tin lành, Luther và Pentecostal cùng với đông đảo các hồng y và giám mục Công giáo.

Cảm tạ bốn hồng ân

Bắt đầu là phần cảm tạ Chúa vì bốn hồng ân, bằng nhiều thứ tiếng:

Thứ nhất là cảm tạ Chúa vì hồng ân hiệp nhất và con đường đồng hành. Đồng hành với nhau như gia đình có nghĩa là sẵn sàng lắng nghe và đón nhận người khác. Chúng ta hãy cảm tạ vì con đường cùng đi chung và vì những khám phá được thực hiện được từ đầu Thượng Hội đồng này, 2021-2024 để củng cố tình hiệp thông và đạt tới sự tham gia của tất cả mọi tín hữu đã chịu phép rửa vào sứ vụ loan báo Tin mừng.

Thứ hai là cảm tạ Chúa vì hồng ân tha nhân: Không ai tuyệt đối toàn vẹn, không thể bỏ qua không cần tha nhân hoặc những người khác. Tương quan là điều cơ bản để làm tăng trưởng hạt giống đẹp đẽ mà Chúa trồng nơi mỗi người. Tha nhân, trong sự khác biệt của họ, không phải là một đe dọa hoặc một yếu tố cần phải kiểm soát, nhưng là một người được ban, một sự biểu hiện đặc biệt của Thánh Linh để mưu ích chung...

Thứ ba là cảm tạ Chúa vì hồng ân hòa bình. Đó là hồng ân đầu tiên của Chúa Kitô phục sinh cho các môn đệ của Ngài. Làm thế nào chúng ta đón nhận và chăm sóc bình an trong tâm hồn, trong các gia đình chúng ta và trong xã hội giữa các dân tộc? Hai người trẻ trưởng thành đến từ Colombia và Syria, với kinh nghiệm bị cưỡng bách lưu vong, sẽ nói về hành trình cuộc sống của họ và đâu là ý nghĩa hòa bình đối với họ.

Sau cùng là cảm tạ Chúa vì hồng ân thiên nhiên hay công trình tạo dựng. Công trình này nói với chúng ta về vẻ đẹp của tình yêu Thiên Chúa, và chúng ta cũng là thành phần của công trình ấy.

Xen lẫn phần cảm tạ trên đây là các bài thánh ca và các chứng từ, cũng như một hoạt cảnh người Samaritano nhân lành do các bạn trẻ trình bày.

Cầu xin Chúa Thánh Thần

Buổi cầu nguyện tiến sang phần chính thức với thánh ca cầu xin Chúa Thánh Linh ngự xuống. Số người hiện diện tại Quảng trường thánh Phêrô lúc này lên tới khoảng 20.000 người.

Đức Thánh cha và các vị cầu nguyện trong thinh lặng trước thánh giá Damiano, trước khi Đức Thánh cha làm dấu Thánh giá khởi sự và Đức Thượng phụ Bartolomaios cầu xin Chúa Thánh Linh ngự đến trên các tín hữu, trên tâm hồn mọi người: xin dạy chúng con những gì phải làm, và chỉ đường cho chúng con cùng nhau bước theo.

Tiếp đến là bài đọc thư của thánh Phaolô gửi tín hữu Êphêsô (4,1-7), rồi thánh vịnh và bài Tin mừng (Mt 5,12) về các mối phúc thật, kinh nguyện chuyển cầu cho các nhu cầu của các Giáo hội Kitô, tiếp đến là bài ca Magnificat.

Sau đó là bài giảng của Đức Thánh cha

Sau khi chào thăm và cám ơn cộng đoàn đại kết Taizé cũng như chào thăm và cám ơn sự hiện diện của các vị lãnh đạo và các phái đoàn các Giáo hội Kitô anh em, Đức Thánh cha đề cao tầm quan trọng của sự thinh lặng trong đời sống người tín hữu, trong đời sống của Giáo hội, và đặc biệt thinh lặng là điều thiết yêu trên con đường hiệp nhất các tín hữu Kitô.

Ngài nói: “Thực vậy, thinh lặng thiết yếu đối với kinh nguyện, từ đó bắt đầu phong trào đại kết Kitô và nếu không có thinh lặng thì kinh nguyện ấy sẽ không mang lại hoa trái, Chúa Giêsu đã cầu nguyện để các môn đệ của Ngài được nên một” (Ga 17,21). Kinh nguyện trở thành kinh nguyện, giúp chúng ta đón nhận hồng ân hiệp nhất, “như Chúa Kitô mong muốn”, “với những phương thế Chúa muốn” (Xc P. Couturier, Preghiera per l’unità), chứ không phải như thành quả riêng những cố gắng của chúng ta và theo các tiêu chuẩn hoàn toàn phàm nhân. Hễ chúng ta càng cùng nhau hướng về Chúa trong kinh nguyện, thì chúng ta càng cảm thấy rằng chính Chúa thanh tẩy và liên kết chúng ta, vượt lên trên những khác biệt. Sự hiệp nhất các tín hữu Kitô tăng trưởng trong thinh lặng trước thánh giá, như những hạt giống chúng ta sẽ nhận lãnh và tượng trưng những hồng ân khác nhau được Chúa Thánh Linh rộng ban cho các truyền thống khác nhau: chúng ta có nhiệm vụ gieo vãi chúng, với xác tín rằng chỉ một mình Thiên Chúa mới làm cho nó tăng trưởng (Xc 1 Cr 3,6). Những hạt giống ấy sẽ là một dấu chỉ cho chúng ta, được kêu gọi âm thầm chết đi cho tính ích kỷ để tăng trưởng, qua hoạt động của Chúa Thánh Linh, trong sự hiệp thông với Thiên Chúa và trong tình huynh đệ giữa chúng ta.

Vì thế, trong kinh nguyện chung, chúng ta cầu xin được tái học cách giữ thinh lặng: để lắng nghe tiếng nói của Chúa Cha, tiếng gọi của Chúa Giêsu và tiếng than của Thánh Linh. Chúng ta hãy cầu nguyện cho Thượng Hội đồng trở thành thời điểm thuận tiện, kairós, cho tình huynh đệ, nơi mà Chúa Thánh Linh thanh tẩy Giáo hội khỏi những chuyện tầm phào, những ý thức hệ và những lập trường cực đoan. Trong khi chúng ta tiến đến kỷ niệm quan trọng về Đại Công đồng Nicea, chúng ta hãy xin ơn biết cùng nhau thờ lạy và trong thinh lặng, như các Đạo sĩ, đối với mầu nhiệm Thiên Chúa làm người, xác tín rằng hễ chúng ta càng gần Chúa Kitô, thì chúng ta sẽ càng hiệp nhất hơn giữa chúng ta với nhau. Như những vị Đạo sĩ từ Đông Phương được hướng dẫn đến Bethlehem do một ngôi sao, cũng vậy, xin ánh sáng thiên quốc hướng dẫn chúng ta đến cùng Chúa, liên kết và đến sự hiệp nhất mà Chúa đã cầu xin cho chúng ta. Chúng ta hãy cùng nhau lên đường, mong ước được gặp Chúa, thờ lạy và loan báo Ngài, để thế gian tin” (Ga 17.21).

Sau khi Đức Thánh cha kết thúc bài giảng ngắn, các vị lãnh đạo Kitô nhận được một số hạt giống, như dấu chỉ hiệp nhất và đồng hành, để trồng khi đi về nhà và rồi làm tăng trưởng.

Sau cùng, Đức Thánh cha và các vị lãnh đạo Kitô đọc kinh nguyện kết thúc buổi cầu nguyện.

Tags