Nhà nước Trung Quốc làm cho cuộc sống người Công giáo thêm khó khăn

Photo: asianews.it

Một chuyên gia về tình hình Giáo hội Công giáo tại Trung Quốc, cha Gianni Crivelli, nói rằng: “Hiệp định tạm thời giữa Tòa Thánh và Trung Quốc, về việc bổ nhiệm giám mục được nhà nước sử dụng như một phương thế để tạo sức ép trên các linh mục Công giáo”.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Cha Crivelli là thừa sai thuộc Hội Giáo hoàng Truyền giáo Milano, gọi tắt là Pime. Cha từng là thừa sai lâu năm tại Hong Kong và giảng dạy thần học tại Hoa Lục, Macao và Đài Loan.

Trong một bài gồm hai phần được hãng tin Asia News truyền đi hôm 22 và 24 tháng Mười vừa qua, sau khi có tin Hiệp định tạm thời giữa Tòa Thánh và Trung Quốc được gia hạn thêm hai năm, cha Crivelli cho biết bài báo không có ý cổ võ phải ngưng hiệp định, nhưng nhắm cung cấp thêm thông tin về tình trạng khó khăn của các cộng đoàn Công giáo tại Hoa Lục, mặc dù có Hiệp định này.

Cha kể rằng điều đặc biệt đau thương là việc đăng ký dân sự với nhà nước Trung Quốc các thành phần của Giáo hội công khai và các linh mục, giám mục thuộc các cộng đoàn không đăng ký, cũng gọi là các cộng đoàn hầm trú, muốn ra khỏi tình trạng này. Nếu không đăng ký như thế thì họ không thể nào làm việc mục vụ trong nhà thờ. Không phải chỉ đăng ký nơi thờ phượng, nhưng cả nhân sự, sau khi Hiệp định được ký kết.

Văn bản mà các linh mục và giám mục phải ký nhận, khi đăng ký có khẳng định sự độc lập của Giáo hội Công giáo tại Trung Quốc đối với Tòa Thánh. Các quan chức nhà nước tạo sức ép với các giáo sĩ ấy và nói rằng Hiệp định với Tòa Thánh khuyến khích đăng ký như thế. Nhưng đó là điều hoàn toàn không đúng sự thật. Sự kiện cho đến nay Văn bản Hiệp định giữa Tòa Thánh và Trung Quốc không được công bố, tạo nên một khía cạnh tiêu cực, là các tín hữu Công giáo Trung Quốc không thể phủ nhận giải thích vừa nói của các quan chức nhà nước.

Tòa Thánh đã can thiệp về vấn đề này, trong một tuyên ngôn ngày 28 tháng Sáu năm 2019, trong đó có khẳng định rằng từ “độc lập” ở đây không được hiểu là độc lập [với Tòa Thánh], nhưng phải hiểu là tự quản trị (autonomia). Và thông cáo của Tòa Thánh nhìn nhận rằng vì lý do lương tâm, các linh mục và giám mục có thể từ chối không ký vào văn bản như thế.

Tuy nhiên, ai không ký thì bị nhà nước trả đũa bằng nhiều cách. Ví dụ, họ làm cho những App điện thoại di động để mua vật dụng hoặc làm bao nhiêu điều khác trong đời sống thường nhật không sử dụng được nữa, một điều cản trở cuộc sống thường nhật vì hiện nay hầu hết các giao dịch tiền bạc đều thực hiện bằng điện tử ở Trung Quốc.

Mặt khác, một số linh mục, giám mục đã đăng ký nay đang chịu đau khổ vì sự phê bình của thân nhân và các thành phần trong cộng đoàn liên hệ chống đăng ký, và họ coi đây là điều không thể chấp nhận được đối với các tín hữu Công giáo chân thành.

Một số người bạn của cha Crivelli cho biết nếu Tòa Thánh phủ nhận Hiệp định, thì có thể các tín hữu Công giáo ở Hoa Lục sẽ gặp khó khăn và bị trả đũa tệ hơn nữa. Vì thế, theo họ, Hiệp định là một “sự ác nhỏ hơn” để tránh một thiệt hại lớn hơn. Và tóm lại, theo cha, đây là một thỏa thuận, trong đó một bên áp đặt và bên kia phải chịu. Nếu đúng như thế, thì hiệp định có một hậu quả trái ngược, tức là làm cho Giáo hội không tự do hơn, nhưng bớt tự do hơn”.

(Asia News 24-10-2022)

Add new comment

12 + 3 =