Phút Cầu Nguyện, Thứ Sáu 26/10/2018

LÀM CHỦ SỰ TỨC GIẬN

Chuyện kể rằng có một vị Samurai đến thu nợ của người đánh cá. Người đánh cá nói: “Tôi xin lỗi, nhưng năm vừa qua thật tệ, tôi không có đồng nào để trả ngài.”  Vị Samurai nổi giận, rút kiếm ra ngay, định giết người đánh cá. Người đánh cá liền nói: “Tôi cũng đã học võ nhưng sư phụ tôi khuyên không nên đánh nhau khi đang tức giận.” Vị Samurai nhìn người đánh cá một lúc, rồi từ từ hạ kiếm xuống. “Sư phụ của ta cũng dạy như vậy. Ðôi khi ta không kiểm soát được sự giận dữ của mình. Thôi được, ta sẽ cho ngươi thêm một năm để trả nợ. Lúc đó, nếu thiếu một xu, ta cũng sẽ giết ngươi.”

Vị Samurai trở về nhà khi trời đã sập tối. Ông nhẹ nhàng đi vào nhà vì không muốn đánh thức vợ. Nhưng ông thật rất bất ngờ khi thấy vợ mình và một kẻ lạ mặt mặc quần áo Samurai đang ngủ trên giường. Cơn giận dữ và ghen tức nổi lên, ông nâng kiếm định giết chết cả hai ngay lập tức. Nhưng đột nhiên lời của người đánh cá văng vẳng bên tai ông: “Ðừng hành động khi đang giận dữ.” Vị Samurai dừng tay lại, hít thở sâu rồi cố tình gây ra tiếng động lớn khiến vợ ông và kẻ lạ mặt thức dậy. Lúc bấy giờ ông mới nhận ra kẻ lạ mặt đó chính là mẹ mình. Ông gào lên: “Chuyện này là sao vậy? Suýt nữa tôi đã giết chết cả hai người rồi!” Vợ ông mới nhẹ nhàng giải thích: “Vì sợ kẻ trộm lẻn vào nhà nên em đã cho mẹ mặc quần áo của chàng để doạ chúng.”

Một năm sau, người đánh cá phấn khởi đến gặp vị Samurai. “Năm vừa qua thật tuyệt vời, tôi đến để trả nợ cho ngài đây, có cả tiền lãi nữa”. Nhưng vị Samurai trả lời: “Hãy cầm lấy tiền của ngươi đi, ngươi đã trả xong món nợ ấy cho ta bằng một lời khuyên hữu ích rồi”.

Quý vị và các bạn thân mến,

Một trong những trạng thái cảm xúc nguy hiểm của con người chính là sự tức giận. Ông bà ta thường nói: “giận quá mất khôn”. Khi tức giận, người ta khó kiểm soát được suy nghĩ cũng như hành động của mình nên những quyết định trong lúc nóng giận thường thiếu sáng suốt, để lại những hậu quả đáng tiếc về sau. Nếu như người Samurai trong câu chuyện bên trên, trong cơn giận dữ tột cùng của mình, đã vội vàng quyết định vung gươm thì ông đã phải hối hận suốt đời vì sự hiểu lầm và cái chết oan uổng của chính vợ và mẹ mình.

Trong cuộc sống hằng ngày, những áp lực về công việc, mâu thuẫn trong các mối tương quan, và cả những xung đột xảy ra trong chính bản thân thường khiến chúng ta dễ rơi vào trạng thái tức giận. Chúng ta cảm thấy bất mãn, giận dữ khi bị người khác giao cho những công việc khó khăn và không ưa thích. Chúng ta nổi nóng lên khi phải tranh cãi với những người bất đồng quan điểm với mình, và khó giữ được bình tĩnh khi ai đó có những lời nói hay hành động xúc phạm đến mình. Những khi nổi nóng và tức giận như vậy, chúng ta có thể buông ra những lời nói và hành động gây tổn thương cho chính mình và người khác. Chính vì vậy mà có rất nhiều mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, bạn bè và đồng nghiệp đã đổ vỡ và không thể hàn gắn lại được sau những cơn giận dữ đó.

Tức giận là một cảm xúc tiêu cực mà chúng ta không hề mong muốn, nhưng nó vẫn tồn tại và thường xảy đến trong chính bản thân và cuộc sống của chúng ta. Chúng ta không thể loại bỏ sự tức giận của mình hay tránh né được cơn nóng giận của người khác, nhưng có thể nỗ lực giữ gìn hòa khí với mọi người bằng cách noi gương Chúa sống hiền lành, khiêm nhượng trong lòng (Mt 11, 29), và cố gắng không giữ những cơn giận ở lâu trong tâm trí mình. Trong những lời nói và cách cư xử với tha nhân, chúng ta cũng hãy hết sức tránh những hành vi gian ác, nóng nảy, giận hờn và những lời nói chua cay gắt gỏng, la lối thoá mạ nhau, nhưng luôn cố gắng đối xử tốt với nhau, và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho chúng ta. (Eph 4, 31-32).

Lạy Chúa, sự tức giận thường dẫn chúng con đến việc lỗi bác ái với những người xung quanh. Xin Chúa ban cho chúng con nghị lực, sự khôn ngoan, sáng suốt, và nhất là một thái độ khiêm tốn, nhẫn nại và ôn hòa, để chúng con có thể làm chủ được những cơn giận của mình và luôn kiến tạo một bầu khí bình an, thân thiện với mọi người xung quanh. Amen.

Thanh Trang, MTGCQ     

Add new comment

7 + 4 =