Đức Thánh cha Phanxicô và nghĩa vụ bảo vệ môi sinh (5)

Image by Anastasia Gepp from Pixabay

Phúc Nhạc

Mới đây báo chí ở Italia đưa tin: nhờ sự giúp đỡ của các siêu thị Coop Italia, người ta đang tiến hành sáng kiến đặt tại các bờ biển, các sông ngòi và hồ tại 25 địa điểm ở Italia những thùng rác điện ăn các đồ nhựa, đồ plastic mà người dân vô tình hay hữu ý vứt xuống làm ô nhiễm môi trường lâu dài. Các giới hữu trách giới thiệu sáng kiến mẫu tại sông Arno, chảy qua thành phố Firenze, hay cũng gọi là Florence, thành phố nghệ thuật nổi tiếng ở miền trung Italia.

Thùng rác điện này cao một mét rưỡi, đặt ở bờ sống, người ta chỉ thấy miệng thùng ở ngang mặt nước sông và được gọi là Seabin, có khả năng thu hút mỗi năm hơn 500 kýlô các chai lọ và các đồ plastic lớn nhỏ. Thùng rác chạy bằng điện, phí tổn từ 15 đến 20.000 Euro, mỗi giờ lọc 25.000 lít nước, thanh tẩy dòng sông khỏi những đồ phế thải bằng nhựa và góp phần bảo vệ môi sinh. Việc bảo trì duy nhất các thùng rác điện này là gom các rác plastic đã được hút vào và vứt đi hoặc chế biến tại nơi thích hợp.

Viện Cao Đẳng về bảo vệ và nghiên cứu môi trường, gọi tắt là Ispra (Istituto Superiore per la Protezione e la Ricerca Ambientale), trong phúc trình mới nhất cho biết nguyên tại Địa trung hải, gần 50.000 con cá thuộc 116 loại khác nhau đã ăn phải plastic.

Với sáng kiến trên đây, công ty siêu thị Coop Italia cùng với chính quyền liên hệ, muốn góp phần bảo vệ môi trường thiên nhiên. Đó cũng là một hướng đi được thông điệp Laudato sì của Đức Thánh cha Phanxicô cổ võ, và được nhiều nơi hưởng ứng, qua những sáng kiến khác nhau.

Trong bài cuối này, chúng tôi kính mời quí vị và các bạn nhìn lại vắn tắt những gợi ý cụ thể Đức Thánh cha đưa ra trong thông điệp.

Những gợi ý cụ thể

Thực vậy, trong thông điệp Laudato sì, Đức Thánh cha kêu gọi cả thế giới hành động cũng như hoán cải sâu xa trong nội tâm. Ngài nói đến nhiều cách thức mà các tổ chức thế giới, quốc gia và cộng đồng cần tiến hành và những cách thức mà mỗi cá nhân - tín hữu và những người thiện chí - cần nhìn, suy nghĩ, cảm thấy và hành động:

- Đừng chiều theo sự phủ nhận, dửng dưng, cam chịu, tin tưởng mù quáng nơi các giải pháp kỹ thuật (14, 59).

- Hãy có những cuộc thảo luận và chính sách thẳng thắn và lương thiện; các vấn đề không thể được đối phó một lần cho tất cả, nhưng cần được “điều chỉnh và tái phong phú hóa”, do mỗi người với đầy những đề nghị khác nhau, vì không phải chỉ có một cách duy nhất để giải quyết các vấn đề (16, 60, 185).

- Hãy giảm bớt, tái sử dụng, tái chế, bảo tồn tài nguyên, sử dụng chúng một cách hữu hiệu hơn, điều độ trong việc tiêu thụ và giới hạn việc sử dụng các tài nguyên không thể tái tạo (22,192).

- Giảm bớt những chất ô nhiễm và thán khí tạo nên hiện tượng lồng kính. Chuyển sang năng lượng sạch hơn và có thể tái tạo và mau lẹ thay thế dầu hỏa (26, 165).

- Cổ võ việc đầu tư vào những phương tiện sản xuất và chuyên chở tiêu thụ ít năng lượng hơn, và ít đòi nguyên liệu hơn, cũng như trong lãnh vực xây cất hoặc sửa chữa dinh thự, nhà cửa để cải tiến hiệu năng về năng lượng (26).

- Bảo vệ nước uống trong sạch, an toàn, và đừng tư hữu hóa thị trường nước với những giá cả thị trường đối với người nghèo (27-29, 164).

- Giữ cho đại dương và các nguồn nước được trong sạch và an toàn, không bị các chất làm ô nhiễm; sử dụng thuốc tẩy phân hủy sinh học (biodegradable) tại gia cư cũng như trong kinh doanh (30, 174).

- Ý thức rằng các thuốc sát trùng hóa học và diệt cỏ sẽ làm hại cho chim chóc và côn trùng là những sinh vật có lợi cho nông nghiệp (34).

- Dành cho các loài vật di cư bằng cách tạo ra những “hành lang sinh học”; đừng để các đập nước, xa lộ và các công trình kiến thiết làm cho các sinh vật ấy bị tiêu diệt (35).

- Bảo vệ sự đa dạng sinh học, nhất là các rừng hoang dã, các vùng đất ngập nước, những vùng duyên hải, đầm lầm ngập mặn (39).

- Cổ võ sự tăng trưởng thông minh. Kiến tạo những cộng đồng có thể sống được với những cảnh trí đẹp và nhiều khoảng xanh cho mỗi người, nhất là người nghèo. Giải trừ tiếng ồn và ô nhiễm thị giác, cứu vãn các kho tàng văn hóa của các thành thị (44-45, 113, 143, 147).

- Chấm dứt “sự ô nhiễm tinh thần”. Suy nghĩ sâu xa, sống khôn ngoan và yêu thương quảng đại (47).

 - Chấm dứt chế độ độc tài của màn hình, thông tin quá tải và gây chia trí, canh chừng chống lại sự tư lự và cô lập, do các phương tiện truyền thông gây ra. Vun trồng những quan hệ đích thực với tha nhân (47).

- Hãy bước xuống từ tháp ngà và chấm dứt những thứ hùng biện, tìm hiểu người nghèo và người đau khổ; việc làm này sẽ thức tỉnh lương tâm gợi hứng cho hoạt động đích thực (49).

- Đừng đổ lỗi cho sự tăng trưởng dân số. Đe dọa đích thực chính là sự tiêu thụ thái qua và phung phí. Không phải bằng cách giảm bớt dân số mà người ta có thể giải quyết các vấn đề của trái đất (50)

- Để có sự thay đổi đích thực, hãy đặt công ích lên hàng đầu. Những thứ tư lợi lèo lái thông tin, đưa ra những tuyên bố hời hợt, những hành động gọi là thương người lẻ tẻ và tỏ ra quan tâm chiếu lệ” (54).

- Hãy đổ mồ hôi. Gia tăng sử dụng máy lạnh dường như là tự hủy diệt (55).

- Hãy trở về với thiên nhiên - trở về với sự âu yếm của Thiên Chúa, để được bồi dưỡng tinh thần, chú ý nhiều hơn đến vẻ đẹp thiên nhiên và tái viếng thăm những nơi để lại cho bạn những kỷ niệm hạnh phúc (84, 97, 215, 233).

- Hãy hành động phù hợp với những điều bạn nói. Phò sự sống, các phong trào bảo vệ môi trường và công bằng xã hội là những điều đều có liên hệ với nhau. Bảo vệ những giống loại dễ bị tổn thương cũng phải bao gồm cả việc bảo vệ những thai nhi chưa sinh ra, các động vật bị đe dọa và những người bị khai thác. “Thật đáng lo âu vì một số phong trào môi sinh bảo vệ sự toàn vẹn của môi trường và có lý khi đòi một số giới hạn đối với việc nghiên cứu khoa học, nhưng đôi khi lại không áp dụng các nguyên tắc ấy cho sự sống con người” (91, 120).

- Sử dụng kỹ thuật để giải quyết các vấn đề thực sự và phục vụ dân chúng, giúp họ đó phẩm giá hơn, bớt đau khổ và có cuộc sống lành mạnh hơn (112).

- Tin tưởng nơi một tương lai hạnh phúc, một ngày mai tốt đẹp hơn. Dừng lại, tái khám phá các giá trị và ý nghĩa cuộc sống. Hãm bớt những thất vọng không cầm hãm về sự cao cả không phải là một lời kêu gọi trở lại thời đồ đá (113-114, 225).

- Kinh doanh là một ơn gọi cao thượng. Kiến tạo công ăn việc làm giúp con người tăng trưởng, ổn định, sống các giá trị của mình (124-128).

- Hãy lắng nghe, bảo vệ đất đai của thổ dân bản xứ. Sự biến mất các nền văn hóa là điều càng nghiêm trọng hơn là sự đánh mất các giống loại sinh vật (145)

- Hãy kiến tạo hệ thống láng giềng và cải tiến các chương trình. Kiến tạo môi trường hiếu khách giúp dân chúng liên kết và tín nhiệm lẫn nhau. Hãy thực hiện những gì tốt đẹp cho cộng đoàn của bạn (148-150, 152, 219, 232).

- Hãy làm cho việc chuyên chở công cộng thành một ưu tiên và một kinh nghiệm thoải mái hơn. (153)

- Cung cấp những dịch vụ thiết yếu cho các vùng quê (154).

- Chấp nhận và săn sóc cơ thể mà Chúa ban cho bạn. Đề cao giá trị những khách biệt phái tính và giống của bạn (155).

- Tham gia, thi hành và chấp nhận và theo dõi những hiệp định hoàn cầu về sự phát triển dài hạn, săn sóc hệ thống môi sinh, giới hạn thán khí gây nên hiện tượng lồng kính, xử lý những đồ phế thải nguy hiểm bảo vệ lớp Ozone. (164, 167-171).

- Các nhà chính trị: đừng sợ những mục tiêu dài hạn và đảo lộn dân chúng bằng những biện pháp ảnh hưởng tới các mức độ tiêu thụ, những rủi ro tài chánh. Các công dân: hãy tạo sức ép trên các đại biểu của các bạn (177-180).

- Bớt đi thì hơn. Chấm dứt những tiêu thụ không cần thiết (193,203, 222, 211).

- Điều chế khả năng mua. Cứu xét điều bạn mua và biết sự tẩy chay có ảnh hưởng (206).

- Hãy trồng một cây. Hãy đi xe chung. Tắt điện khi bạn rời khỏi phòng. Trời hơi lạnh ư, hãy mặc một áo ấm, những điều bé nhỏ cộng lại cũng đáng kể (211).

- Cha mẹ: hãy dạy con cái sử dụng đồ vật thích hợp; tôn trọng, săn sóc người khác, xin phép lịch sự, nói cám ơn, kiểm soát tính khí, xin lỗi, chia sẻ (213).

- Tìm hạnh phúc trong những điều đơn sơ: họp nhau, giúp đỡ nhau, trau dồi tài năng, hưởng nghệ thuật và âm nhạc, cầu nguyện (223, 224, 226).

Vào cuối thông điệp của Đức Thánh cha, có hai kinh nguyện do chính ngài soạn: “Một kinh nguyện cho trái đất của chúng ta” và một “kinh nguyện Kitô trong sự kết hiệp với thiên nhiên”. Kinh thứ nhất có lời xin Chúa “chữa lành cuộc sống chúng ta để chúng ta có thể bảo vệ thế giới, chứ không cướp bóc nó, để chúng ta có thể gieo vãi vẻ đẹp chứ không phải sự ô nhiễm và tàn phá”.

Kinh nguyện thứ hai có lời cầu xin: “Lạy Chúa, xin nắm lấy chúng con bằng quyền năng và ánh sáng của Chúa, xin giúp chúng con bảo vệ mọi sự sống, chuẩn bị một tương lai tốt đẹp hơn, để Nước công lý, bình an, yêu thương và đẹp đẽ được hiển trị”.

Add new comment

1 + 1 =