Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội đau khổ lo âu vì Hagia Sophia

Hagia Sophia | ANSA

Chủ tịch điều hành tổ chức bác ái Công giáo “Trợ giúp các Giáo hội đau khổ”, ông Heine-Gelden, bày tỏ lo âu về quyết định của tổng thống Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ, biến đền thờ Kitô Hagia Sophia thành đền thờ Hồi giáo, sẽ làm suy yếu thêm các nhóm tôn giáo thiểu số tại Thổ và Trung Đông.


G. Trần Đức Anh, O.P.

Hôm 24/7/2020, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã khai mạc buổi cầu nguyện đầu tiên tại đền thờ Sophia, sau khi ký sắc lệnh biến nơi này thành đền thờ Hồi giáo. Tham dự buổi cầu nguyện này, do ông Ali Erbas, Chủ tịch Ban tôn giáo chính phủ chủ trì, có khoảng 1.000 quan chức chính quyền và tín hữu. Tổng thống Erdogan cho biết, qua quyết định biến Hagia Sophia thành đền thờ Hồi giáo làm cho giấc mơ lớn nhất của ông được toại nguyện.

Tuyên bố với hãng tin Công giáo Áo, Kathpress hôm 23/7, ông Heine-Gelden bày tỏ lo âu và nói thêm rằng: “Một lần nữa, một đề tài tôn giáo bị lạm dụng để bảo đảm quyền bính chính trị quốc nội. Qua biện pháp này, tổng thống Erdogan tìm cách tô điểm thanh danh và củng cố ảnh hưởng của ông, cũng như để dư luận quần chúng quốc nội bớt để ý đến những vấn đề của đất nước Thổ”.

Ông Heine-Gelden cũng tỏ ra ngờ vực đối với phản ứng tiêu cực của nhiều quốc gia và chính trị gia về quyết định biến đền thờ Hagia Sophia thành nơi thờ phượng của Hồi giáo. Ông nói: “Trong khi có nhiều phản ứng phấn khởi về việc biến cải và thánh hiến một nơi thờ phượng, thì những hành vi bạo lực và kỳ thị chống Kitô hữu và các nhóm tôn giáo thiểu số vẫn tiếp tục, và nhiều khi được nhà nước bảo trợ tại nhiều quốc gia trên thế giới, và tình trạng này ít được dư luận chú ý”.

Theo ông Heine-Gelden, các nước Tây Phương không được tiếp tục im lặng trước sự chà đạp quyền căn bản được sống còn của các nhóm dân thiểu số, như tại Thổ Nhĩ Kỳ, Irak, Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan hoặc tại các nước khác. Đứng trước những hành động bách hại, nhiều khi đẫm máu như thế, việc biến cải một đền thờ tôn giáo nổi tiếng thành nơi thờ phượng của Hồi giáo, chỉ chiếm một vị thế thứ yếu.

Ông Chủ tịch điều hành tổ chức “Trợ giúp các Giáo hội đau khổ” nói thêm rằng: “Tại một vài nước, sự gia tăng trào lưu quốc gia chủ nghĩa quá khích, thường gắn liền với các động lực tôn giáo, khiến cho các nhóm tôn giáo thiểu số bị coi là những người xa lạ và như kẻ thù, mặc dù tổ tiên những nhóm thiểu số ấy đã định cư từ trước khi nhóm dân chiếm đa số đến định cư và chiếm hữu nước ấy. Tuy có những lời trấn an và bảo đảm của hiến pháp, các nhóm dân thiểu số vẫn bị coi như các công dân hạng nhì. Và ông Heine-Gelden tái kêu gọi Liên Hiệp Quốc và các nước hãy dấn thân hơn trong việc đòi tôn trọng quyền tự do tôn giáo, gắn liền với phẩm giá bất khả nhượng của mỗi người”.

(KNA 24-7-2020)

Add new comment

4 + 4 =