Tiếp kiến chung của Đức Thánh cha: Yêu là tôn trọng người khác, tìm kiếm hạnh phúc cho họ

Photo: Vatican Media

Sáng thứ Tư, ngày 17 tháng Giêng năm 2024, đã có gần 6.000 tín hữu hành hương đến tham dự buổi Tiếp kiến chung của Đức Thánh cha Phanxicô, lúc 9 giờ sáng, tại Đại thính đường Phaolô VI ở nội thành Vatican.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Mở đầu buổi tiếp kiến, mọi người đã nghe đọc một đoạn thư thứ I của thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Thessalonica (1 Ts 4,3-5), do các độc viên công bố bằng nhiều thứ tiếng:

“Ý muốn của Thiên Chúa là anh em nên thánh: anh em hãy xa lánh gian dâm, mỗi người hãy biết đối xử với thân thể mình trong sự thánh thiện và tôn trọng, chứ không mình bị dục vọng thống trị như dân ngoại, là những người không biết Thiên Chúa”.

Bài huấn giáo

Trong bài giáo lý tiếp đó, Đức Thánh cha tiếp tục loạt bài về các nết xấu và các nhân đức. Bài thứ tư này có tựa đề là: “tật mê dâm”.

Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

“Chúng ta tiếp tục hành trình về những tật xấu và các nhân đức; và các thánh tu hành xưa kia dạy chúng ta rằng, sau tật tham ăn, thì đến thứ “quỷ” thứ hai, luôn luôn rình rập nơi cửa tâm hồn là tội mê dâm, tiếng Hy lạp gọi là “porneia”. Trong khi tật mê ăn uống là ngấu nghiến lương thực, thì tật xấu thứ hai này là một thứ phàm ăn đối với một người khác, nghĩa là mối liên hệ bị ngộ độc giữa con người với nhau, đặc biệt là trong lãnh vực tính dục.

Thánh Phaolô cảnh giác

Ta cần để ý rõ: trong Kitô giáo, không có sự lên án bản năng tính dục. Một sách Kinh thánh, cuốn Nhã Ca, là một bài thơ tuyệt vời về tình yêu giữa hai người yêu nhau. Nhưng chiều kích đẹp đẽ như thế của nhân tính chúng ta không thiếu nguy hiểm, đến độ trong thư thứ I gửi tín hữu Côrintô, thánh Phaolô đã phải đề cập tới vấn đề này. Ngài viết: “Khắp nơi, người ta nghe nói về sự vô luân nơi anh chị em, và một thứ vô luân đến độ người ta không gặp thấy kể cả nơi dân ngoại” (5,1). Sự trách cứ của thánh Tông đồ liên quan tới vấn đề tính dục thiếu lành mạnh từ phía một vài Kitô hữu.

Kinh nghiệm yêu thương

“Nhưng chúng ta hãy nhìn kinh nghiệm con người, kinh nghiệm yêu thương. Để điều này diễn ra, và để là một kinh nghiệm đảo lộn dường ấy trong đời sống con người, không ai trong chúng ta biết điều đó: đó là một trong những thực tại gây ngạc nhiên nhất về cuộc sống. Phần lớn các bài ca nghe thấy ở Radio đều liên quan đến vấn đề này: tình yêu soi sáng nhau, tình yêu luôn được tìm kiếm mà không bao giờ đạt tới, tình yêu đầy vui mừng, hoặc chúng hành hạ đến rơi lệ.

Nếu không bị ô nhiễm vì tật xấu, thì sự yêu nhau là một trong những tình cảm thanh khiết nhất. Một người khi yêu thì trở nên quảng đại, vui mừng trong việc trao tặng, viết những thư từ và thơ phú. Không nghĩ đến mình để hoàn toàn hướng về người khác. Và nếu bạn hỏi một người đang yêu xem động lực nào làm cho yêu thì họ sẽ không tìm được một câu trả lời; dưới bao nhiêu khía cạnh, tình yêu của họ là một tình yêu vô điều kiện, mạnh mẽ dường nào, và cũng có phần thơ ngây: người yêu không biết thực sự khuôn mặt của người khác, có xu hướng lý tưởng hóa khuôn mặt ấy, sẵn sàng hứa hẹn mà không nhận thức ngay gánh nặng của nó. Đây chính là “mảnh vườn” nơi gia tăng những điều tuyệt vời, nhưng không tránh được sự ác. Nó bị ma quỷ làm cho biến dạng vì sự mê dâm dục, và tật xấu này đặc biệt đáng ghét, ít là vì hai lý do.

Hai lý do làm biến thái tình yêu

Trước hết, nó tàn phá những quan hệ giữa con người. Như bằng chứng, rất tiếc ta chỉ cần đọc những tin tức thời sự hằng ngày. Bao nhiêu quan hệ đã khởi sự một cách tốt đẹp nhất nhưng rồi bị biến thành những quan hệ bị nhiễm độc, chiếm hữu người khác, thiếu tôn trọng và ý thức về giới hạn? Đó là những tình yêu trong đó thiếu sự khiết tịnh: nhân đức này không nên lẫn lộn với sự tiết dục, đúng ra là với ý chí không bao giờ chiếm hữu người khác. Yêu là tôn trọng người khác, tìm kiếm hạnh phúc cho họ, vun trồng thiện cảm đối với những tâm tình của họ, sẵn sàng trong sự nhận biết một thân thể, một tâm lý và một tâm hồn không phải là của chúng ta, và phải được chiêm ngưỡng vì vẻ đẹp mà nó mang. Trái lại, tật mê dâm chế nhạo tất cả những điều đó: nó bóc lột, tước mất, tiêu thụ hết sức vội vã, không muốn lắng nghe người khác nhưng chỉ nghe nhu cầu riêng của mình và lạc thú của mình; tật mê dâm coi là nhàm chán mọi thứ thu hút, không tìm kiếm sự tổng hợp giữa lý trí, bản năng thúc đẩy và tâm tình giúp chúng ta sống khôn ngoan. Người mê dâm chỉ tìm con đường tắt: không hiểu rằng con đường yêu thương cần được bước đi chậm rãi, và sự kiên nhẫn này thay vì đồng nghĩa với sự nhàm chán, nó giúp làm cho chúng ta hạnh phúc trong những tương quan yêu thương.

Nhưng có một lý do thứ hai, qua đó sự mê dâm là một tật xấu nguy hiểm. Trong tất cả những lạc thú của con người, tính dục có một tiếng nói mạnh mẽ. Nó liên kết mọi giác quan, ở lại trong thân thể cũng như trong tâm lý; nếu không được kiên nhẫn điều chế, nếu không được ghi trong một tương quan và một lịch sử trong đó hai người biến nó thành một vũ điệu tình yêu, vì nó tiến thành một xiềng xích tước đoạt tự do của con người. Khoái lạc tình dục bị hư hỏng vì dâm ô: thỏa mãn mà không có tương quan có thể tạo nên những hình thức nghiện ngập.

Nỗ lực chống mê dâm

Chiến thắng trong trận chiến chống mê dâm, chống lại sự vật hóa tha nhân, có thể là một công trình kéo dài trọn cuộc sống. Nhưng phần thưởng trong trận chiến này là điều quan trọng tuyệt đối, vì vấn đề ở đây là bảo tồn vẻ đẹp mà Thiên Chúa đã ghi vào công trình tạo dựng của Ngài, khi nghĩ ra tình yêu giữa người nam và người nữ. Vẻ đẹp ấy làm cho chúng ta tin rằng xây dựng một lịch sử chung thì tốt hơn là đi săn đuổi những phiêu lưu, vun trồng sự dịu dàng thì tốt hơn là cúi mình trước quỉ chiếm hữu, phục vụ thì tốt hơn là chinh phục, vì nếu không có tình yêu thì cuộc đời là một sự cô đơn sầu thảm.

Chào thăm và kêu gọi

Sau bài giáo lý trên đây, như thường lệ là phần tóm tắt bằng nhiều thứ tiếng: tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Arập.

Có một nhóm nghệ sĩ xiếc, với nhiều em bé, đã trình diễn trước Đức Thánh cha và cử tọa, trước khi Đức Thánh cha chào năm và nhắn nhủ mọi người bằng tiếng Ý.

Ngài bày tỏ sự gần gũi với tất cả các nạn nhân, mọi thường dân, trong vụ tấn công bằng tên lửa vào thành phố Erbil ở miền bắc Irak, thuộc miền tự trị Kurdistan. Đức Thánh cha nói: Tình láng giềng tốt không được xây dựng bằng những hành động như vậy, nhưng bằng đối thoại và cộng tác.” Ngài cũng mời gọi tránh mọi bước làm gia tăng căng thẳng ở Trung Đông và trong những diễn cảnh chiến tranh.

Đức Thánh cha nói thêm rằng: “Chúng ta đừng quên những nước đang ở trong chiến tranh, như: Ucraina, Palestine, Israel, những người dân tại Gaza đang chịu đau khổ dường nào”.

Sau cùng, Đức Thánh cha nhắn nhủ rằng: “Ngày mai, tức là ngày 18 tháng Giêng, là bắt đầu Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô, và năm nay có chủ đề là: “Hãy yêu mến Thiên Chúa là Chúa của con... và hãy yêu thương tha nhân như chính mình” (Xc Lc 10,27). Tôi mời gọi anh chị em hãy cầu nguyện để các Kitô hữu được hiệp thông trọn vẹn và làm chứng tá đồng nhất về tình yêu thương đối với tất cả mọi người, đặc biệt những người yếu thế nhất.”

Đức Thánh cha cũng nhắc đến các bạn trẻ, bệnh nhân và các đôi tân hôn. Ngài nói: “Hôm nay, phụng vụ kính nhớ thánh Antôn Viện phụ, một trong những người cha sáng lập đời đan tu. Ước gì tấm gương của thánh nhân khích lệ anh chị em quyết liệt đón nhận Tin mừng mà không thỏa hiệp.”

Buổi Tiếp kiến chung kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của Đức Thánh cha.